Đừng đốt gốc đào nữa: Đây mới là cách giúp đào nở hoa, nảy lộc, hết Tết vẫn rực rỡ

( PHUNUTODAY ) - Cành đào có phải đốt gốc không? Nếu có thì cách đốt gốc cành đào chuẩn nhất như thế nào?

Cách chọn cây đào, cành đào đẹp phù hợp với nhà cửa

Đầu tiên, để chọn được cây đào, cành đào phù hợp cho nhà cửa thì bạn phải xác định không gian, diện tích nhà và vị trí chưng bày cành đào như phòng khách, bàn thờ... sẽ giúp bạn chọn được cành đào hài hòa với nhà cửa.

Khi đi chọn mua đào cây tại vườn, bạn phải nhìn tổng quan cây đào trước và chọn những cây khỏe, tán rậm, nhiều nụ, gốc đào sần sùi thì hoa đào sẽ dày và đẹp hơn. Đặc biệt, hoa đào trên cây sẽ nở lâu hơn hoa trên cành đã cắt, vì vậy bạn nên chọn những cây có nụ to để hoa nở đúng ngày Tết.

dot-goc-dao

Nếu mua đào cành thì việc chọn lựa sẽ dễ hơn, bạn nên chọn những cành có tán tròn, nhánh phân bố đều thì khi hoa nở sẽ đẹp hơn. Bên cạnh đó, bạn cần chọn những cành già, cứng cỏi và có màu ngà nâu đen, đặc biệt tránh chọn cành đào bị vỡ bầu sẽ làm ảnh hưởng đến thời gian sống của cành.

Cách giữ hoa đào tươi lâu

Chọn mua cành đào đẹp đã khó và giữ nó tươi lâu lại càng khó hơn, nếu muốn giữ cây hoặc cành đào tươi lâu trong dịp Tết bạn nên làm những việc sau:

Đối với cành đào

Bạn chỉ cần rửa sạch lọ cắm đào và sử dụng nước sạch để cắm hoa.

Chỉ cần thực hiện đúng 2 việc này, bạn sẽ có được cành đào tươi rói, khoe sắc xinh tươi trong dịp Tết sắp tới.

Ngoài ra, bạn cũng nên đặt lọ hoa đào ở nơi thoáng mát, không gần nguồn nhiệt lớn, không bị ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, không có gió mạnh thổi vào.

Bên cạnh đó, hãy nhớ thay nước trong lọ cắm hoa 2 - 3 ngày một lần, đồng thời mỗi lần thay nước, bạn nên rửa phần gốc đào ngập trong nước nhé. Ngoài ra, sau mỗi lần thay nước, bạn có thể cho vài viên vitamin B1 vào trong nước cắm hoa đào để giúp đào tươi lâu, có màu sắc đẹp hơn.

Một thành phần khác cũng nên tham khảo để bổ sung dinh dưỡng giúp đào tươi khoẻ là Kali.

unnamed

Đối với cây đào

Một cách đơn giản để giữ gốc đào tươi lâu là tưới nước thường xuyên, tuy nhiên vì đào ưa khô nên bạn không được tưới nhiều nước.

Bên cạnh đó, hãy kê đặt cây đào ở nơi khô ráo, thoáng mát, hạn chế nguồn nhiệt lớn, hạn chế bị ánh nắng trực tiếp chiếu vào hoặc đặt ở nơi có gió lớn bởi có thể làm nụ, hoa đào bị rụng.

Phương pháp điều chỉnh đào nở nhanh hay chậm

Thời tiết nóng ấm khiến đào nở nhanh hơn, để làm chậm lại quá trình này bạn chỉ cần khía nhẹ một vòng quanh thân cách gốc 10-15cm. Cách này sẽ hạn chế chất dinh dưỡng từ thân lên nuôi hoa. Bên cạnh đó dùng nước lạnh để cắm hoa cũng là một giải pháp.

Đối với đào cây, rải một lớp sỏi quanh gốc sẽ có tác dụng làm mát gốc. Đặt đào ra ban công thoáng gió cũng giúp hạn chế hoa nở.

Ngược lại, cách để làm đào nở nhanh hơn là dùng nước ấm để cắm hoa. Kích thích đào cây bằng việc đắp vôi quanh gốc, hoa sẽ nở chỉ sau vài ngày.

Có nên đốt gốc cành đào?

Câu trả lời là không nên. Đốt gốc đào là kinh nghiệm dân gian.

Khi đốt gốc cành đào bằng lửa, gốc cành đào sẽ cháy, không thể hút được nước, chất dinh dưỡng để nuôi cành, làm cho cành đào nhanh héo, hoa chóng tàn. Việc đốt gốc cành đào để giữ hoa tươi là phản khoa học.

Theo kinh nghiệm dân gian, đốt cành đào trước hết là để diệt khuẩn, diệt nấm xâm nhập vào các bó mạch dẫn của cành đào, làm cành đào hạn chế chảy nhựa, mất dinh dưỡng của cành và làm sạch nước cắm đào... Tuy nhiên, việc đốt gốc cành đào cũng sẽ gây tắc các mạch, không cho nước và dinh dưỡng đi lên nuôi cành.

Nếu áp dụng biện pháp đốt cành thì chỉ đốt vừa phải. Nếu đốt quá nhiều sẽ gây tổn thương mạch, tắc mạch, sẽ lại làm cành đào chóng tàn.

Từ đó có thể thấy, nếu bạn muốn đốt gốc cành đào thì chỉ nên hơ qua lửa cho se khô mặt cắt là được.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn