Gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ đến phòng cấp cứu nếu có dấu hiệu dưới đây!

( PHUNUTODAY ) - Mẹ hãy gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ đến phòng cấp cứu ngay nếu trẻ có dấu hiệu dưới đây!

Bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ nhỏ là một bệnh thường gặp, dễ điều trị tuy nhiên hay tái phát. Các mẹ cần có những biện pháp chăm sóc cơ thể bé đúng cách khi thời tiết chuyển mùa để bé không bị bệnh viêm đường hô hấp trên, đặc biệt là các bé sơ sinh rất dễ mắc bệnh nếu ngủ phòng máy lạnh. Theo thống kê được nghiên cứu bởi các tổ chức y tế Hoa Kỳ, mỗi năm trẻ có thể bị viêm đường hô hấp trên cấp tính đến 10 lần. 

 

Viêm đường hô hấp trên cấp tính:

Bệnh thường xảy ra khi có một số yếu tố thuận lợi tác động vào như thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh; uống nước quá lạnh hoặc nước đá, kem; nằm, ngồi trước luồng gió lạnh của quạt hoặc điều hòa nhiệt độ… Triệu chứng gặp đầu tiên là sốt (có thể sốt nhẹ, đôi khi sốt cao kèm theo rét run), kèm theo sốt là ho, hắt hơi và chảy nước mũi. Cơn ho có khi chỉ húng hắng, có khi ho liên tục. Bệnh nhân là người lớn hoặc trẻ em lớn còn có triệu chứng bị đau họng khi nuốt, khi ăn. Chảy nước mũi là triệu chứng hay gặp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Viêm đường hô hấp trên mạn tính:

khi bị viêm đường hô hấp trên cấp tính mà không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm thì rất dễ dàng chuyển thành viêm đường hô hấp mạn tính. Triệu chứng của viêm đường hô hấp trên mạn tính là ho húng hắng, rát họng, nuốt thấy hơi vướng như có vật gì nằm trong họng, đặc biệt ở trẻ em là chảy nước mũi thường xuyên (một hoặc cả hai bên mũi). Một số trẻ em bị VA mạn tính kéo dài mà căn nguyên do trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) thì chất nhày chảy ra ở mũi thường có màu xanh mà người ta hay gọi là “thò lò mũi xanh”. Ngoài thò lò mũi xanh, trẻ ngủ thường ngáy, thở bằng mồm. Ở người lớn, ngoài triệu chứng điển hình là rát họng, nuốt vướng còn có nghẹt mũi (một bên hoặc cả hai) do hiện tượng phì đại cuốn mũi… Trong những trường hợp viêm xoang thường có kèm theo triệu chứng đau đầu…

Viêm đường hô hấp trên không phải là một bệnh mà là một tổ hợp bệnh bao gồm: cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản. Mặc dù có nhiều bệnh đơn lẻ khác nhau nhưng chúng đều có một số biểu hiện chung rất dễ nhận thấy. Những triệu chứng chủ yếu bao gồm: sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi, tắc mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, lạc tiếng, giọng mũi, khản đặc có khi mất tiếng, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ khớp…

Đặc điểm quan trọng của viêm đường hô hấp trên ở trẻ em là thời gian ủ bệnh ngắn, tốc độ biểu hiện bệnh nhanh và các biểu hiện mang tính ồ ạt. Chính vì thế mà sốt trong các bệnh của viêm đường hô hấp trên thường là sốt cao và thành cơn. Thân nhiệt thường là 39oC trở lên. Đi kèm với sốt là hắt hơi, sổ mũi, trẻ hắt hơi nhiều hơn mức bình thường, có khi đến 4-5 cái/một lần và xuất hiện nhiều lần trong ngày. Có khi hắt hơi đến rát cả mũi họng. Sau đó trẻ sẽ bị chảy dịch mũi với đặc điểm dịch nhiều, trong, loãng, không có mủ và không có mùi hôi.

Khi virus gây bệnh ở thanh quản thì trẻ sẽ bị khàn tiếng. Càng nói nhiều thì tốc độ khàn tiếng càng nhanh và càng nặng. Ban đầu chỉ là lạc tiếng, giọng mũi, sau đó tiếng bị khàn đục và có khi đến mất giọng.

Tuỳ thuộc vào cơ quan bị bệnh mà mỗi một mặt bệnh cụ thể đơn lẻ sẽ có những dấu hiệu điển hình và đặc thù khác nhau. Mặc dầu vậy, vì lý do giữa các bộ phận mũi-họng-thanh quản-xoang đều thông với nhau bằng đường khí và dịch nên khi một cơ quan bị bệnh thì nó sẽ nhanh chóng lây sang cơ quan liền kề và các triệu chứng sẽ nhanh chóng tổ hợp lại thành một hình ảnh bệnh lý đầy đủ.

Viêm đường hô hấp trên ở trẻ đa phần là những bệnh tự khỏi, chỉ sau 5-6 ngày là bệnh đã bắt đầu lui dần tiến tới khỏi sau 2 tuần. Mặc dù các bệnh này có mức độ lâm sàng trung bình nhưng lại là những căn bệnh phổ biến nhất khiến chúng ta phải ngừng lao động và trẻ em thì không thể đến trường và có thể nặng lên ở những đối tượng mẫn cảm như trẻ em dưới 1 tuổi, người già, người bị suy giảm miễn dịch và gây nhiều biến thể nghiêm trọng.

Một trong các biến thể nghiêm trọng ấy là tử vong do đồng nhiễm với bệnh đường hô hấp dưới và chúng tự làm nặng lẫn nhau. Biến thể cũng hay gặp đó là biến chứng viêm đường hô hấp dưới nếu viêm đường hô hấp trên không được xử trí đúng đắn và đúng mức. Do đó, với một bệnh hết sức thông thường như cảm lạnh trong mùa đông thì có thể đưa đến viêm phổi, nhất là ở trẻ em. Ngoài những biến chứng này thì viêm đường hô hấp trên thể nặng, thể do vi khuẩn dễ gây ra những biến chứng cơ thể khác như viêm não, viêm tim, viêm cầu thận, thấp khớp cấp. Vì vậy cần có thái độ dự phòng đúng mức với bệnh này. 

 

Cần cảnh giác với những triệu chứng nào?

Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu có các triệu chứng cảm lạnh thông thường kèm theo những yếu tố sau:

Trẻ dưới 3 tháng:

Trẻ đã từng được chẩn đoán bị hen suyễn hoặc bệnh đường hô hấp phản ứng.

Sốt trên 38oC đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi; trên 38,3oC đối với trẻ 3-6 tháng; hoặc trên 38,9oC đối với trẻ trên 6 tháng tuổi.

Ho ban ngày hoặc các triệu chứng cảm lạnh kéo dài quá 10 ngày. Các triệu chứng cảm lạnh quay trở lại một hoặc hai ngày sau khi có vẻ đã hết.

Trẻ kéo tai và kêu đau tai.Môi hoặc mặt xanh tái do khó thở.

Gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ đến phòng cấp cứu nếu có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:

Thở khò khè (có tiếng rít khi thở ra).

Các dấu hiệu khó thở: lỗ mũi nở rộng mỗi lần thở; thở nhanh; da trên hoặc dưới các xương sườn co lõm vào mỗi lần thở; da, môi hoặc móng tay có màu xanh tím.

Đau đầu nhiều dưới hoặc quanh mắt hoặc sau gáy; sưng hoặc đỏ quanh mắt.

Nôn dai dẳng hoặc các dấu hiệu mất nước: miệng khô hoặc dính; ít hoặc không có nước mắt; khát, nước tiểu sẫm màu hoặc ít hơn bình thường.

Tác giả: Ngọc Lê