Hà Nội: Nhiều bà bầu nhập viện vì “dính” SỐT XUẤT HUYẾT

( PHUNUTODAY ) - Hiện đang là tháng cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Đáng chú ý, các bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết có nhiều phụ nữ đang mang bầu ở thời kỳ đầu, thậm chí có những trường hợp đã đến ngày sinh con.

20% bệnh nhân điều trị là phụ nữ có thai

Thông tin trên báo Nông nghiệp Việt Nam, TS.BS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, trung bình, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 70 bệnh nhân sốt xuất huyết trên tổng số gần 200 bệnh nhân điều trị nội trú. Trong số đó, 15-20% là phụ nữ có thai.

Điều trị cho thai phụ bị sốt xuất huyết

Mới đây, khoa Khoa truyền nhiễm đã kết hợp cùng khoa Sản điều trị thành công, đảm bảo an toàn cho 2 sản phụ mắc sốt xuất huyết, đó là một sản phụ 37 tuần và một sản phụ thai 39 tuần. Sản phụ thai 37 tuần bị sốt cao, đã đi khám ở rất nhiều cơ sở y tế nhưng không phát hiện ra sốt xuất huyết. Khi bệnh nhân đến khoa trong tình trạng sốt cao liên tục, đau bụng, tiểu cầu xuống thấp. Bệnh nhân đã được vào phòng cấp cứu, theo dõi đặc biệt. Trong quá trình bệnh nhân chuyển dạ, các bác sĩ của Khoa Truyền nhiễm đã kết hợp cùng các bác sỹ của khoa Sản và khoa Huyết học liên tục truyền khối tiểu cầu cho bệnh nhân. Kết quả là một bé gái 2,8kg đã ra đời an toàn và sau đó người mẹ được trở về khoa Truyền nhiễm để tiếp tục điều trị.

Đến ngày 3/8, bệnh nhân đã ổn định, tiểu cầu đã trở về mức an toàn và được xuất viện trong buổi chiều cùng ngày. Một bệnh nhân khác cũng mang thai 39 tuần sống trong vùng dịch tễ có sốt xuất huyết, nhập viện trong ngày sốt thứ 3. Sau 3 ngày theo dõi tại khoa, bệnh nhân đã chuyển dạ sinh con an toàn. 

Chỉ sợ ảnh hưởng đến thai nhi

Sốt xuất huyết là căn bệnh bất kỳ ai cũng có thể mắc, từ trẻ nhỏ cho đến người già, tuy nhiên, bà bầu là đối tượng “khổ nhất”.

Chị Nguyễn Mỹ L. (ở Văn Phú – Hà Đông) đang mang bầu 7 tuần, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông chia sẻ với Khám phá: “Tôi bắt đầu bị sốt xuất huyết từ hôm 4/8, ban đầu tôi thấy người gai gai, sau đó là sốt và sốt cao, kèm theo đau nhức toàn thần.

Đến ngày thứ 3, tôi đau đầu, nhức toàn thân. Quả thật lúc đó đầu và toàn thân tôi như muốn nổ tung ra vì đau đớn”.

 Chị Mỹ L. mắc sốt xuất huyết khi đang mang bầu 7 tuần

Theo chị L., khi mắc sốt xuất huyết chị gọi dịch vụ xét nghiệm máu tại nhà, đến ngày thứ 4 thì xuất hiện tiểu cầu giảm, ngay lập tức chị được gia đình đưa vào viện điều trị.

Tôi rất hoang mang lo lắng, vì mình mới mang thai được 7 tuần mà lại mắc bệnh truyền nhiễm như thế này”, chị L. nói.

Hết sức lưu ý khi điều trị cho bà bầu

Trao đổi với Trí thức trẻ, bác sĩ Tạ Quang Mậu - trưởng khoa Các bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho hay, đối với việc điều trị cho các bệnh nhân nữ mang thai không may mắc phải dịch này có phần khó khăn.

Theo bác sĩ Mậu, bởi vì người mang thai thường ăn uống kém, mệt mỏi nên việc điều trị sẽ bị ngăn trở.

Khó khăn thứ hai đối với các bác sĩ là ngoài việc chữa trị cho mẹ thì phải đảm bảo không được ảnh hưởng đến đứa con. Đặc biệt, có rât nhiều loại thuốc để chữa bệnh cho bệnh nhân mắc dịch sốt xuất huyết nhưng không thể kê đơn cho bệnh nhân đang mang thai.

 Bác sĩ Tạ Quang Mậu - trưởng khoa Các bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông)

Tuy nhiên, bác sĩ Mậu cũng cho biết do có phần thuận lợi trong việc chữa bệnh cho các bệnh nhân mang thai do Khoa sản và Khoa các Bệnh Nhiệt đới sát cạnh nhau.

"Tại đây, nhiều trường hợp khi vào điều trị sốt xuất huyết đã ở những tuần cuối của thai kỳ. Vì thế, việc bác sĩ vừa đỡ đẻ vừa điều trị sốt xuất huyết cho sản phụ diễn ra thường xuyên. Muốn làm được điều đó, bệnh viện phải hội chẩn và điều trị liên khoa (khoa sản, khoa bệnh nhiệt đới, khoa huyết học) để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Tính đến thời điểm bày, bệnh viện chưa có ca nào phải đình chỉ thai hay biến chứng, tai biến do sốt xuất huyết gây ra", BS Mậu chia sẻ.

Tác giả: Minh Khánh