Biến thể Delta làm giảm hiệu quả vắc xin như thế nào?

( PHUNUTODAY ) - Theo nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) và CDC Mỹ cho thấy biến thể Delta có thể làm giảm hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm của một số loại vắc xin Covid-19.

Hãng tin Reuters cho biết, Pfizer/BioNTech và AstraZeneca là hai loại vắc xin được sử dụng phổ biến nhất trong chiến dịch tiêm chủng của Anh. Tại Mỹ, hai loại vắc xin được dùng nhiều là Pfizer và Moderna.

Nghiên cứu của Đại học Oxford và Trung tâm Kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ được tiến hành riêng biệt nhưng được công bố trong cùng ngày 18/8.

Cả hai nghiên cứu của Anh và Mỹ đều khẳng định vắc xin vẫn có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ bệnh nhân Covid-19 trở nặng và nhập viện.

Ảnh minh hoạ

Dựa trên hơn 3 triệu mẫu gạc mũi và họng được lấy trên khắp nước Anh, nghiên cứu của Đại học Oxford cho thấy trong vòng 2 tuần sau khi tiêm mũi thứ hai của vắc xin Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca, hiệu quả ngăn ngừa nhiễm bệnh đã giảm xuống lần lượt còn 85% và 68%.

Sau 90 ngày từ mũi tiêm thứ hai, hiệu quả ngăn ngừa của vắc xin chỉ còn 75% và 61%.

Ngoài ra, nghiên cứu còn cho biết thêm, người đã tiếp cận vắc xin nếu nhiễm Covid-19 vẫn có tải lượng virus cao ngang bằng so với trường hợp chưa tiêm. Bởi vậy, trong bối cảnh biến thể Delta đang diễn ra phức tạp, một số nước đã lên kế hoạch tiêm chủng vắc xin mũi thứ 3 cho mọi người vào tháng tới.

Để đối chiếu giai đoạn trước và sau khi biến thể Delta phổ biến, nhóm nghiên cứu đã so sánh kết quả phân tích 2,58 triệu mẫu gạc lấy từ 380.000 người trưởng thành được chọn ngẫu nhiên trong khoảng thời gian từ ngày 1/12/2020 đến ngày 16/5/2021 và 810.000 mẫu được lấy từ 360.000 người trong giai đoạn từ ngày 17/5 đến ngày 1/8.

Theo Zing News, các nhà khoa học ở Singapore cũng đã thực hiện nghiên cứu trên 2 nhóm người bao gồm 84 trường hợp đã chích ngừa (71 người thêm đủ 2 mũi) và 130 ca chưa được tiêm chủng. Loại vắc xin được sử dụng là Moderna và Pfizer.

Ảnh minh hoạ

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tải lượng virus trong cả 2 nhóm đều ngang bằng nhau. Tuy nhiên, nhóm người đã tiêm vắc xin sẽ bớt nguy hiểm, ít rơi vào trạng thái nặng hay phải thở oxy nếu nhiễm Covid-19. Ngoài ra, các triệu chứng được thể hiện ở người chưa tiêm chủng có tỷ lệ cụ thể là sốt 73,9%; ho 60, 8%; đau họng 33,1%; khó thở 13,1%. Trong khi đó, người đã tiêm vắc xin có tỷ lệ bị sốt là 40,9%; ho 38%; đau họng 25,4%; khó thở 1,4%. Như vậy, có thể thấy rằng việc tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 là vô cùng quan trọng, giúp bệnh nhân giảm thiểu mức thấp nhất các biến chứng.

Trong cuộc họp chiều ngày 19/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết vào quý 4 năm 2021 sẽ có khoảng 20 triệu đến 50 triệu liều vắc xin về Việt Nam mỗi tháng. Hiện tại, Việt Nam đang sử dụng các loại vắc xin gồm Pfizer, AstraZeneca, Moderna và Vero Cell. Ông Thuấn cũng hi vọng từ nay đến đầu năm 2022, ngành y tế sẽ bao phủ vắc xin cho khoảng 75% dân số.

Tác giả: Minh Tú