Khoảng thời gian người bệnh nCoV dễ lây cho người khác nhất: 'Còn không rõ mình là F0 từ lúc nào'

( PHUNUTODAY ) - Do biến chủng Delta có mức độ lây nhiễm rất nhanh, vì thế nhiều người 'ngỡ ngàng' khi không biết mình thành F0 từ lúc nào.

Hiện nay tình hình dịch bệnh trong nước đang cực kỳ căng thẳng. Số ca nhiễm mới trong nhiều ngày liên tục trên 7000 ca, một con số đáng sợ.

Thậm chí, rất nhiều người 'vô tình' biết mình là F0, không biết lây từ khi nào. Hoặc có những người không hề có triệu chứng nhưng khi test nhanh lại dương tính với nCoV.

Đặc biệt, biến chủng Delta đang gây ra làn sóng dịch bệnh ở nước ta hiện nay có mức độ lây nhiễm nhanh, nguy hiểm. Một nghiên cứu đã chỉ ra chỉ cần tiếp xúc thoáng qua 5 - 10 giây là có thể nhiễm bệnh rồi.

Vậy thì khi nào thì người bị nhiễm nCoV có khả năng lây bệnh cho người khác nhất?

Theo thông tin này thì thời gian từ khi tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 đến khi xuất hiện các triệu chứng được gọi là thời kỳ ủ bệnh, thường kéo dài từ 2 - 14 ngày.

Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện trong vòng 4 - 5 ngày sau khi người bệnh tiếp xúc với virus.

Về khả năng lây lan virus cho người khác thì còn sớm hơn nữa, từ khi chưa hề có các triệu chứng.

Cụ thể, theo Trường Y Harvar, người nhiễm nCoV có thể bắt đầu lây bệnh cho người khác trong vòng 48 giờ trước khi bắt đầu có các triệu chứng, nghĩa là chỉ 2 - 3 ngày sau khi tiếp xúc với virus SARS-CoV-2.

Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều nước trên thế giới khuyến khích người dân cần cẩn thận, vì họ có thể bị nhiễm bệnh bất kỳ lúc nào và vô tình lây lan cho người khác trước khi các triệu chứng phát triển.

“Khoảng 1/3 người mắc nCov không có triệu chứng nhưng vẫn có thể lây nhiễm cho người khác”, Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh cảnh báo

"Đây là lý do tại sao các tổ chức y tế khuyên mọi người nên cẩn thận và hạn chế tiếp xúc với người khác", các chuyên gia này cho biết.

Trong tình hình dịch nCoV diễn biến phức tạp như vậy, số ca nhiễm tăng mạnh mỗi ngày, đặc biệt là với chủng virus mới Delta diễn biến nhanh, vậy làm thế nào để bảo vệ bản thân an toàn?

Về điều này, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) chia sẻ rằng, virus SARS-CoV-2 lây từ người qua người, vì vậy nếu mình không gặp F0 thì không bao giờ bị bệnh, hoặc nếu có gặp mà phòng thủ đúng cách thì cũng không bao giờ bị nhiễm.

Hơn nữa, bàn tay của mình không tiếp xúc với đồ vật mà người bệnh sử dụng hoặc giọt bắn của người bệnh văng vào, và chúng ta cũng không đưa lên vùng mũi, miệng thì cũng không thể bị nhiễm virus.

Ngoài ra, nếu mình không đi vào phòng lạnh, kín mà trước đó không có người bị ho hoặc nói chuyện ở đó thì cũng không thể nhiễm bệnh. Mà chỉ khi nào mình đi vào một phòng kín, lạnh có người bị nhiễm ho, nói chuyện trong đó, mà mình không mang khẩu trang thì có nguy cơ bị nhiễm.

Tác giả: Thạch Thảo