Không vay tiền vẫn bị nhắn tin, gọi điện đòi nợ: Đây là cách xử lý thông minh nhất

( PHUNUTODAY ) - Nếu không vay tiền nhưng bị kẻ xấu lợi dụng lấy cắp thông tin như số CMND, CCCD, số điện thoại… để vay tiền thì đây là cách xử lý thông minh nhất cho người bị hại.

Hiện nay, việc vay tiền qua app đang diễn ra rất phổ biến với nhiều lời mời gọi như thủ tục giải ngân nhanh, không cần hồ sơ gốc, không cần thẩm định, chỉ cần cung cấp một trong các thông tin như số CMND/CCCD, giấy phép lái xe, bảo hiểm xã hội…Kéo theo đó, nhiều kẻ xấu đã đánh cắp thông tin hoặc lợi dụng thông tin của người khác để thực hiện việc vay tiền nhưng không trả.

Khi bạn bị đánh cắp thông tin để vay tiền thì đừng hoang mang

Theo Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 định nghĩa hợp đồng vay tài sản như sau:

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo đó, chỉ hình thành quan hệ vay tiền khi có sự thỏa thuận giữa bên cho vay và bên vay về việc vay tiền, giao tiền cho vay, hạn trả nợ, lãi suất (nếu có). Đồng thời, khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự cũng quy định cụ thể về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:

Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Như vậy, theo quy định này, việc trả nợ chỉ xảy ra khi hai bên có thỏa thuận về việc vay nợ và người vay phải có nghĩa vụ trả nợ. Bởi vậy, nếu một người bị lấy cắp thông tin như số CMND, CCCD, số điện thoại… nhưng trên thực tế không hề vay tiền thì không có nghĩa vụ phải trả nợ. Tuy nhiên, người bị lấy cắp thông tin trong trường hợp này phải chứng minh được bản thân không phải là người thực hiện việc vay tiền. Do đó, mỗi cá nhân phải hết sức cảnh giác khi để lộ số CMND/CCCD của mình. Bởi rất có thể, bản thân sẽ trở thành “nạn nhân” bị lấy cắp thông tin để vay tiền và bị đòi nợ số tiền mà bản thân không vay.

Kiểm tra các thông tin sau khi CMND/CCCD bị lộ

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra, ngay sau khi nhận thấy thông tin CMND/CCCD đã bị lộ, người dân cần thu hồi ảnh CMND/CCCD ngay khi đăng lên mạng hoặc gửi nhầm cho người khác.

Mọi người cần kiểm tra thông tin tài khoản cùng các khoản vay bởi vì kẻ xấu sau khi lấy được thông tin cá nhân của chủ thẻ có thể sẽ thực hiện các hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản, trong đó phổ biến là hành vi vay tiền qua các app với thủ tục vay đơn giản.

Bên cạnh đó, mọi người cũng cần kiểm tra thông tin số điện thoại trả sau và thông tin thuế. Để kiểm tra xem số CMND/CCCD đã đăng ký bao nhiêu sim chính chủ, chủ thẻ soạn tin nhắn theo cú pháp TTTB gửi 1414. Trường hợp phát hiện một số điện thoại khác mà không phải do mình đăng ký cần nhanh chóng liên hệ đến nhà mạng để phản ánh kịp thời.

Còn để kiểm tra thông tin thuế khi nghi ngờ bị lợi dụng lấy số CNMD/CCCD để đăng ký mã số thuế ảo, có thể truy cập vào địa chỉ https://canhan.gdt.gov.vn/, sau đó nhập thông tin để kiểm tra.

Khi bị đòi nợ mà không vay tiền

Thực tế cho thấy, khi bị lấy cắp thông tin về số CMND/CCCD để vay vốn, nhiều người có thể bị các app vay tiền hoặc người cho vay gọi điện, đe dọa, khủng bố… bắt trả món nợ bản thân không vay. Hãy trình báo sự việc trên cho các cơ quan công an để cơ quan này tiến hành điều tra, xác minh sự việc cũng như có phương án xử lý với người lấy cắp thông tin.

Ngoài ra, để đề phòng việc không vay tiền nhưng vẫn phải trả nợ, mỗi người cần phải hết sức cảnh giác trước những chiêu lừa đảo, tuyệt đối không cung cấp bất cứ thông tin cá nhân nào của mình cho người lạ. Trường hợp giấy tờ nhân thân bị rơi, mất thì phải nhanh chóng thông báo với cơ quan có thẩm quyền về việc làm rơi, mất giấy tờ nhân thân của mình.

Thông tin cá nhân có thể coi là bí mật cá nhân, đời sống riêng tư của cá nhân và là bất khả xâm phạm, được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự. Việc sử dụng thông tin liên quan đến bí mật cá nhân phải được sự đồng ý của người đó. Do đó, hành vi sử dụng thông tin cá nhân của người khác để vay tiền là hành vi vi phạm pháp luật, bị lên án, bị phạt hành chính và phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại theo yêu cầu phán quyết của toàn án.

Tác giả: Vũ Thêm