Loại rau dại ngọt như mì chính, bổ hơn rau ngót, có tên trong Sách đỏ Việt Nam

( PHUNUTODAY ) - Loại rau này có hương vị thơm ngon, đặc biệt. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng có thể mua được nó.

Loại rau được nhắc đến ở đây là rau sắng. Nó còn được gọi với những cái tên như rau ngót rừng, cây mì chính... Đây là loại cây thân mộc, mọc tự nhiên ở các vách đá trên núi, nơi có độ cao trên 100m so với mực nước biển. Rau sắng là cây ưa nắng. Loại cây này thậm chí còn được nhắc đến trong Sách đỏ Việt Nam - danh sách các loài động vật, thực vật ở Việt Nam thuộc loại quý hiếm, đang bị giảm sút số lượng nghiêm trọng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng.

Ở nước ta, cây răng sắng phân phổ ở vùng núi thuộc nhiều tỉnh, thành phố. Trong số đó, rau sắng chùa Hương (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) được nhiều người coi là loại ngon nhất, đậm vị nhất.

Lá rau sắng có vẻ ngoài mỡ màng, bóng bẩy.

Lá và chồi non của cây rau sắng có màu xanh thẫm, bóng bẩy, mỡ màng. Loại rau này có hàm lượng protein và axit amin cao hơn nhiều loại rau khác. 100 gram rau sắng có chứa khoảng 76,6 gram nước, 6,5 – 8,2 gram protit, 0,23 gram lysin, 0,19 gram methionin, 0,08 gram tryptophan, 0,25 g phenylanalin, 0,45 gram treonin, 0,22g valin, 0,26 gram leucin và 0,23 gram isoleucin, 11,5 mg vitamin C, 0,6 mg caroten…

Hoa rau sắng có mùi rất thơm. Nếu không có hoa và quả thì khó phân định được rau sắng với các loại lá của một số loại rau khác.

Rau sắng ra hoa trong khoảng tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau. Khoảng tháng 4 đến tháng 8 là thời gian cây kết quả, mùa quả sắng chín rộ là khoảng tháng 5-6. Lá sắng, quả sắng non có thể dùng nấu canh. Quả sắng chín có thể rang hoặc luộc để ăn. Đặc biệt, quả sắng non, hoa sắng là món ăn cực kỳ bổ dưỡng, có thể dùng để nấu cháo bồi bổ cho trẻ nhỏ, phụ nữ mới sinh con, người ốm.

Rau sắng có vị ngọt đặc trưng.

Khác với rau ngót nhà, loại rau ngót rừng này có mùi vị đặc trưng hơn, ngọt hơn.

Lá rau sắng có vị ngọt bùi, tính mát. Trong khi đó, phần rễ rau sắng sẽ có vị hơi đắng. Theo Đông y, lá và rễ rau sắng có tác dụng hoạt huyết, mát huyết, lợi tiểu, giải độc. Có thể dùng nước lá rau sắng để giảm nhiệt do uống nhiều rượu, bia. Lá rau sắng còn có công dụng trong việc trị ho, viêm phổi, tiêu độc, sốt cao, sởi... Rễ rau sắng ép lấy nước uống có tác dụng thông huyết, lợi tiểu, kích thích sự co bóp của tử cung. Rau sắng còn được phân ra làm hai loại nếp, tẻ. Trong đó, rau sắng nếp sẽ ngon hơn. Rau sắng ngon thì phải chọn những cây có là màu vàng cốm, không chọn những cây có lá xanh đen (dấu hiệu không được tiếp xúc đủ với ánh nắng mặt trời). Khi nấu rau sắng, chỉ cần nên một chút muối là đủ. Ngoài ra, nhiều người cho rằng nếu dùng nước lợ, nước giếng khoang để nấu canh rau sắng thì sẽ làm hỏng vị của món ăn.

Mặc dù là loại rau ngon, bổ dưỡng và lành tính nhưng cũng có một số trường hợp nên tránh ăn rau sắng. Phụ nữ mang thai không nên ăn loại rau này để đảm bảo an toàn cho thai nhi. Những người bị huyết áp thấp, đường ruột kém, bụng yếu, dễ bị tiêu chảy cũng cần hạn chế ăn rau sắng.

Tác giả: Thanh Huyền