Luộc vịt đừng dùng nước lã, làm theo cách này thịt ngon ngọt, thơm lừng, không sợ bị hôi

( PHUNUTODAY ) - Luộc vịt theo cách đặc biệt này sẽ giúp món ăn thơm ngon, đặc sắc hơn. Hãy cùng tìm hiểu cách làm nhé.

Thịt vịt là loại thực phẩm bổ dưỡng. Theo Đông y, thịt vịt tính hàn (lạnh), có vị ngọt, mặn, đi vào tỳ, vị, phế, thận, có tác dụng tư âm dưỡng vị, lợi thủy tiêu thũng, giải độc.

Vào mùa hè nóng bức, thịt vịt là chính là nguồn protein ưu tiên hàng đầu nhờ tính mát, dễ ăn.

Vịt có thể được chế biến thành nhiều món khác nhau như nướng, om, lẩu, luộc... Trong đó, món vịt luộc là chế biến đơn giản nhất mà vẫn có hương vị hấp dẫn.

Thông thường, chúng ta thường chỉ sơ chế vịt và cho vào nồi luộc cùng các loại gia vị như gừng, sả. Tuy nhiên, thay vì sử dụng nước lã để luộc vịt, bạn có thể tham khảo cách làm đặc biệt dưới đây.

Nguyên liệu

1 con vịt xiêm dưới 2kg, 1 bó sả, 1 củ gừng, 1 lá chuối nhỏ hoặc lá dong, 1 thìa dầu ăn, 1 chiếc nồi inox dày.

Cách luộc vịt

Vịt mua về làm sạch, sát muối và chanh để khử mùi hôi.

Sả rửa sạch và tách nhỏ theo chiều dọc rồi rải dưới đáy nồi. Sau đó, xếp lá chuối/lá dong lên trên. Tiếp đó, rải ít gừng đập dập vào và đặt con vịt lên trên.

Lót sả, lá dong xuống dưới sẽ giúp nồi không bị cháy. Trong quá trình "vịt xông hơi", hơi nước đọng ở nắp sẽ chảy xuống.

Đậy nắp nồi và đặt lên bếp. Để lửa to khoảng 1-2 phút cho nồi nóng đều rồi giảm về mức lửa nhỏ nhất và để trong vòng 50 phút đến 1 tiếng.

Để kiểm tra xem vịt chín chưa, bạn có thể dùng đũa cắm vào thân vịt rồi rút ra. Nếu thấy nước đỏ tiết ra thì là vịt chưa chín. Đậy nắp và đun thêm 10 phút nữa cho vịt chín hẳn.

Khi chín, gắp vịt ra đĩa và để cho nguội, da vịt săn lại thì mới đem đi chặt. Như vậy, miếng thịt vịt sẽ không bị nát.

Pha nước chấm vịt

Có nhiều cách pha nước chấm thịt vịt luộc khác nhau, bạn có thể lựa chọn dựa vào sở thích.

- Nước tương chấm thịt vịt luộc: Cho nước tương vào bát, thêm đường và chanh rồi khuấy đều cho vừa khẩu vị. Cuối cùng thêm tỏi, gừng, ớt băm.

- Nước mắm tỏi ớt chấm vịt luộc: Cho 5 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh nước cốt chanh, 1 muỗng canh đường vào bát và khuấy đều. Tiếp tục cho gừng, ớt và tỏi băm vào. Nêm nếm cho vừa miệng.

Cách chọn vịt ngon

Tốt nhất bạn nên mua vịt sống và nhờ người bán làm ngay tại chỗ. Như vậy thịt vịt sẽ tươi ngon hơn so với vịt đã làm sẵn và để lâu.

Để chọn vịt sống tươi ngon, bạn cần xem những con khỏe mạnh, hai cánh ép sát mình, lông trơn mượt, mắt nhanh nhẹn. Nếu cánh vịt rủ xuôi, lông xù, diều tích nhiều thức ăn và cứng lại thì không nên mua.

Nên chọn những con vịt có mình béo, ức và phao câu tròn, da cổ và da bụng dày, mọc đủ lông. Không nên chọn vịt non vì thịt không ngon lại mất nhiều thời gian nhổ lông tơ. Vịt non sẽ có mỏ to và mềm, vịt già mỏ nhỏ và cứng hơn. Nếu vịt đẻ nhiều, phần bụng sẽ sệ xuống.

Khi mua, nên chọn vịt đực vì chúng thường có mình dày và đậm thịt hơn so với vịt cái.

Nếu mua vịt làm sẵn, bạn nên chọn những con da không nhớt, không có mùi khác lạ. Dùng tay ấn thử vào thân vịt thấy có độ đàn hồi tốt. Những con vịt bị bơm nước sẽ có cảm giác da trơn, vùng ức và đùi của vịt bị nhão, không săn chắc.

Tác giả: Thanh Huyền