Lưỡi hổ trồng lâu không ra chồi mới: Làm đúng 4 việc này, Tết đến chồi non mọc tua tủa, gọi lộc về nhà

( PHUNUTODAY ) - Để cây lưỡi hổ phát triển mạnh, liên tục ra chồi mới, bạn hãy xem lại 4 vấn đề sau.

Lưỡi hổ là loại cây cảnh không khó trồng. Bạn có thể trồng lưỡi hổ trong nhà, trước cửa nhà. Loại cây này có dáng dẹp, lá xanh tươi quanh năm. Đặt chậu lưỡi hổ trong nhà không chỉ có tác dụng trang trí mà còn giúp thanh lọc không khí. Theo quan niệm phon thủy, cây lưỡi hổ có tác dụng xua đuổi tà khí, mang may mắn, gọi tài lộc vào nhà, giúp gia chủ ăn nên làm ra.

Cây lưỡi hổ có thể xanh tươi mà không cần chăm bẵm nhiều. Tuy nhiên, nếu làm không đúng cách, cây trồng nhiều năm cũng không thể đâm chồi, nở hoa.

Khi trồng cây lưỡi hổ, bạn cần chú ý đến những vấn đề sau.

Kiểm tra xem đất có bị nén chặt không

Nếu bạn nhận thấy cây lưỡi hổ trồng bàn đâu phát triển rất mạnh mẽ, sau đó lá càng ngày càng mỏng, càng ít, không mọc chồi mới thì cần phải kiểm tra đất ngay.

Khi trồng cây lâu năm mà không thay đất, thay chậu, không chỉ có chất dinh dưỡng trong chậu bị hấp thụ hết mã bộ rễ của cây lớn lên cũng chiếm hết không gian trong chậu, đất trải qua thời gian dài cũng bị nén chặt hơn. Điều này làm khả năng hút chất dinh dưỡng của rễ kém khi và dẫn tới cây chậm phát triển.

Bạn nên thay đất trong chậu và chuẩn bị chậu lớn hơn để bộ rễ của cây có không gian phát triển, chồi mới cũng có thể mọc ra. Loại cây này ưa đất tơi xốp, thoáng khí, giàu chất dinh dưỡng. Khi thay đất cho cây, bạn nên chú ý điều này.

Lưu ý, mùa đông không phải là thời điểm thích hợp để thay đất cho cây. Để tạm khắc phục việc đất bị nén, bạn có thể tưới cho cây nước vo gạo, nước đậu nành đã lên men.

Cho cây tiếp xúc với ánh sáng

Cây lưỡi hổ là loại cây chịu bóng tốt, có thể thích khi với môi trường sống trong nhà lâu ngày. Tuy không cần nhiều ánh sáng nhưng chúng không thể ở trong bóng tối suốt một thời gian dài. Sự phát triển của cây vẫn cần có một lượng ánh sáng nhất định.

Bất kỳ loại thực vật nào cũng cần ánh sáng để thực hiện quá trình quang hợp. Cây thiếu ánh sáng trong một thời gian dài hầu như sẽ còi cọc, lá mất đi độ bóng. Tốt nhất nên đặt cây lưỡi hổ ở nơi có ánh sáng tán xạ hoặc mỗi ngày di chuyển chậu ra ngoài sáng vài giờ để cây quang hợp, phát triển mạnh mẽ hơn.

Kiểm tra rễ cây có bị thối không

Cây lưỡi hổ, nhất là những cây trồng trong chậu, rất sợ úng nước. Ở mối trường đất thoát nước kém, việc tưới nước thường xuyên sẽ khiến chậu cây ẩm ướt, có thể khiến rễ cây bị thối.

Khi rễ cây hỏng, thời gian đầu bạn sẽ không thể phát hiện tình trạng này. Sau đó, lá cây sẽ có biểu hiện mềm và vàng úa. Nếu thấy hiện tượng này xảy ra, hãy thay đất thay chậu cho cây ngay lập tức để cứu cây.

Trong quá trình bảo dưỡng, chỉ tưới một lượng nước vừa phải. Khi đất trong chậu khô mới tưới thêm nước.

Bón phân, cung cấp dinh dưỡng cho cây

Trong thời kỳ sinh trưởng mà cây lưỡi hổ không ra chồi mới tức là cây có thể đang thiếu chất dinh dưỡng. Đa số các loại cây cảnh đều cần nguồn dinh dưỡng dồi dào để phát triển, ra chồi và ra hoa.

Cây lưỡi hổ chủ yếu trồng để ngắm lá nhưng không nên ngừng bón phân trong thời gian dài. Nếu đất trong chậu bị nén và bị khô cứng, bạn có thể bón thêm một tí phân hữu cơ lên men, phân hoai mục để cải thiện chất lượng đất. Nếu đất trong chậu tương đối mềm, bạn có thể bón phân hỗn hợp 1 lần/tháng hoặc tưới phân loãng để thúc cây ra chồi mới.

Tác giả: Thanh Huyền