Khoai tây là loại thực phẩm phổ biến, được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Sau khi sơ chế, phần lớn mọi người thường vứt vỏ khoai tây vào thùng rác mà không biết rằng đây là cách làm lãng phí.
Vỏ khoai tây có thể làm phân bón cho cây trồng. Khoai tây còn chứa axit salicylic, là chất kích rễ tự nhiên, khi dùng để trồng hoa thì bộ rễ sẽ khỏe hơn, cây phát triển nhanh hơn.
Bạn có thể dùng vỏ khoai tây để trồng hoa theo cách rất đơn giản. Hãy ngâm vỏ khoai tây với nước theo tỷ lệ 1:10, không đổ nước đầy chai, chỉ cần khoảng 80% là được.
Sau 2-3 ngày, bạn có thể thêm vài giọt giấm trắng vào chai. Giấm trắng rất có lợi cho sự phát triển của cây và hoa. Cụ thể, nó có tính axit, có thể điều chỉnh độ chua, độ kiềm của đất, giúp đất tơi xốp, tránh hiện tượng vàng lá.
Sau khoảng 2 tháng, bạn hãy lấy nước ngâm vỏ khoai tây ra, lọc lấy nước, pha loãng rồi tưới cho cây. Nước vỏ khoai tây giúp thúc đẩy rễ phát triển, cây có nhiều nhánh hơn và nở hoa rực rỡ.
Một số tác dụng khác của vỏ khoai tây mà bạn chưa biết
- Làm sạch lớp cặn trong ấm siêu tốc
Sau một thời gian sử dụng, ấm siêu tốc dễ bám cặn bẩn, khó làm sạch. Bạn có thể rửa sạch vỏ khoai tây, cho vào ấm siêu tốc rồi đun sôi. Lưu ý, sau khi nước sôi đừng vội mở vung, hãy để yên khoảng 3-5 phút rồi hẵng đổ hết nước trong ấm và vỏ khoai tây ra ngoài. Sau đó rửa lại bằng nước sạch là các cặn bẩn bên trong cũng được loại bỏ. Đối với ấm cũ đầy cặn, bạn nên làm việc này khoảng 1-2 lần để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Sở dĩ vỏ khoai tây có thể loại bỏ lớp cặn trong ấm siêu tốc là do nó chứa nhiều tinh bột, khi gặp nhiệt độ cao sẽ tạo thành dung dịch keo, có khả năng loại bỏ cặn bẩn.
- Làm sạch vòi inox
Lấy vỏ khoai tây đã gọt vỏ chà lên bề mặt vòi inox, vỏ ấm điện. Sau khi lau hãy để yên một lúc, dùng khăn sạch lau lại là các vết bẩn sẽ được loại bỏ.
- Loại bỏ vết dầu mỡ
Các thành phần trong vỏ khoai tây có khả năng loại bỏ dầu mỡ, bụi bẩn bám trên các bề mặt khác nhau, nhất là trong nhà bếp. Ví dụ khi thấy vết dầu mỡ dính trên áo phông, bạn chỉ cần dùng vỏ khoai tây chà lên đó, vết bẩn sẽ biến mất. Lưu ý, không nên sử dụng khoai tây trên các sản phẩm may mặc mỏng.
Hoặc, bạn có thể dùng vỏ khoai tây chà lên bề mặt bếp, tường bếp. Sau khi lau bằng vỏ khoai tây, hãy lấy khăn lau lại là vết dầu mỡ sẽ được loại bỏ, trả lại mặt bếp sáng bóng như mới.
- Dùng làm nước rửa bát
Nước luộc từ khoai tây hoặc vỏ khoai tây có tác dụng làm mềm vết dầu mỡ dính trên bát đũa và các dụng cụ nhà bếp khác. Hãy đổ thứ nước đó vào chậu khi còn nóng, sau đó nhúng bát đĩa bẩn vào đó và ngâm khoảng 15-20 phút. Tiếp theo, hãy lau bát đũa bằng miếng rửa chén và rửa sạch.