Máy giặt cửa trước hay cửa trên sẽ bền hơn?
Rất nhiều người quan tâm tới việc nên mua máy giặt cửa trên (máy lồng đứng) hay máy giặt cửa trước (máy lồng ngang), loại nào bền hơn, kinh tế hơn.
Về giá cả, máy giặt cửa trước thường có mức giá là 7-8 triệu đồng/chiếc. Trong khi đó, với máy cửa trên, bạn chỉ cần khoảng 5 triệu là có thể sở hữu một chiếc.
Máy cửa trước thường tiêu thụ nhiều điện hơn so với máy cửa trên cùng lượng giặt do thời gian giặt thường lâu hơn. Tuy nhiên, máy cửa trước lại tiêu thụ ít nước hơn so với máy cửa trên.
Máy giặt cửa trước cần sử dụng trọng lực để tạo thành các vòng quay đảo lộn quần áo. Tốc độ quay của lồng giặt thường rất cao, từ 1000 vòng/phút. Khi lồng giặt quay, nó dễ gây ra sự mất cân bằng do cấu trúc hỗ trợ của bộ tải phía trước dẫn đến sự hao mòn nghiêm trọng trên trục động cơ. Bộ giảm chấn được sử dụng tối đa để giảm tiếng ồn trong quá trình máy hoạt động.
Trong khi đó, máy giặt cửa trên thì khác. Tốc độ quay của lồng giặt thấp hơn, chỉ khoảng 700 vòng/phút. Trục động cơ của máy quay quanh một trục thẳng đứng nên máy chuyển động cân bằng hơn và không cần phải đảo lộn quần áo nên cấu trúc hỗ trợ trong máy không bị ảnh hưởng nhiều.
Nhìn chung, tuổi thọ trung bình của máy cửa trên sẽ dài hơn máy cửa trước. Một chiếc máy cửa trước có tuổi thọ trung bình 11 năm. Trong khi đó, máy cửa trên có thể hoạt động trong vòng 14 năm.
Tuy nhiên, máy cửa trước có ưu điểm là không làm quần áo bị xoắn vào nhau. Xà phòng cũng được tẩy sạch hơn do áp lực dòng nước lớn và khoảng không giữa quần áo trong máy lớn hơn nhờ quá trình đảo lộn liên tục của lồng giặt.
Với máy giặt cửa trên, quần áo dễ bị xoắn loại với nhau, các chi tiết quần áo có thể mắc vào nhau, bị cào xước, rách... Quần áo giặt bằng máy cửa trên thường bị nhàu hơn.
Máy giặt cửa trước dùng ít bột giặt và chỉ phù hợp với loại bột ít bọt. Trong khi đó, máy cửa trên không kén các loại bột giặt, nước giặt.
Tùy theo nhu cầu của gia đình mà bạn có thể lựa chọn loại máy giặt phù hợp.
Một số lưu ý khi sử dụng máy giặt
Phân loại và kiểm tra quần áo tước khi giặt
Bạn nên phân loại quần áo theo màu sắc, giặt quần áo trắng và quần áo màu riêng để không ảnh hưởng đến màu sắc của trang phục.
Trước khi giặt, hãy kiểm tra xem có bỏ quên các vật dụng khác như bật lửa, chìa khóa... trong quần áo hay không.
Trước khi đưa vào máy giặt, nên kéo khóa quần áo, giữ phẳng các ống quần, ống tay áo... Với những chất liệu vải dễ rách hoặc bị giãn, có thể cho vào túi giặt để bảo vệ đồ.
Không giặt quá tải
Nên cho lượng quần áo vừa đủ vào máy giặt, tránh bỏ quá nhiều đồ. Khi bị quá tải, máy giặt thường phát ra tiếng kêu to và có thể dừng hoạt động. Giặt quá tải trong thời gian dài chắc chắn sẽ làm giảm tuổi thọ của máy.
Giữ lồng giặt khô thoáng
Máy giặt nên được để ở nơi khô thoáng. Không để nước rơi vào bảng điều khiển của máy. Nếu lỡ để nước rơi vào thì nên lau khô ngay.
Sau khi giặt xong, hãy mở cửa lồng giặt để hơi nước bốc hơi hết, giúp máy giặt khô ráo và không có mùi hôi, không bị nấm mốc.
Ngoài ra, cần chú ý vệ sinh máy giặt định kỳ (khoảng 1 lần/tháng) để loại bỏ các cặn bẩn đọng lại trong máy.
Tác giả: Thanh Huyền
-
Chuột quậy phá ầm ầm trên trần nhà: Làm theo cách này là đuổi sạch cả đàn
-
Ném tép tỏi vào bồn cầu: Mẹo hay nhà nào cũng cần, tưởng lãng phí hóa ra hiệu quả bất ngờ
-
Khăn mặt, khăn tắm dùng lâu ngày có mùi hôi và nhớt, làm theo cách này vừa sạch vừa thơm
-
Ban đêm đặt 1 cuộn giấy vệ sinh vào tủ lạnh: Sáng dậy bạn sẽ thấy điều tuyệt vời xảy ra?
-
Luộc tôm bỏ trực tiếp vào nước lạnh là sai: Cho thêm thứ này tôm ngon ngọt, đỏ au lại giàu dinh dưỡng