Mẹ bầu đợi thai 43 tuần cứng cáp mới sinh mổ, cả phòng sinh nồng mùi khó chịu

( PHUNUTODAY ) - Tự tin mình đã có kinh nghiệm trong lần sinh nở trước nên dù đã quá ngày dự sinh, bà mẹ này cũng không hề sốt ruột, không hề đến bệnh viện kiểm tra.

Bà mẹ trẻ tên Đình Đình (sống tại Hàng Châu, Trung Quốc) mang bầu bé thứ 2 khi con lớn được 3 tuổi. Vì đã trải qua một lần sinh nở, lần này cô tự tin mình đã có kinh nghiệm và cũng chủ quan hơn.

Sau khi làm những xét nghiệm quan trọng và cho kết quả tốt, Đình Đình bỏ không đi khám thai theo lịch hẹn vì lo sợ dịch bệnh. Cô chỉ ở nhà nghỉ ngơi và chờ đến ngày sinh con.

Đến ngày dự sinh, em bé vẫn chưa có dấu hiệu muốn ra ngoài, Đình Đình cũng thấy có chút sốt ruột. Cô nhận thấy em bé hoạt động ít đi nhưng lại nghĩ "thai nhi ở trong bụng mẹ lâu, sinh ra càng khỏe mạnh, thông minh". Vả lại, chồng đang đi vắng nên cô cũng muốn chờ chồng đi công tác rồi về đưa mình đi sinh.

Đến ngày chồng Đình Đình trở về, cô cũng đã mang thai được 43 tuần. Em bé trong bụng dường như yên tĩnh hẳn khiến hai vợ chồng lo lắng, vội vã đến bệnh viện. Sau khi kiểm tra, Đình Đình lập tức được đưa lên bàn mổ vì thai quá ngày và có dấu hiệu bị ngạt.

Ảnh minh họa

Trong phòng phẫu thuật, khi bác sĩ vừa rạch tử cung của Đình Đình ra thì có một mùi khó chịu lập tức sộc lên. Nước ối của cô đục ngầu và có mùi khó chịu. Em bé bị ngạt do hít phải phân su trong nước ối. Vì đến viện quá muộn nên bác sĩ cũng không thể cứu vãn được. Vợ chồng Đình Đình chỉ biết ôm nhau khóc vì hối hận.

Nguyên nhân thai quá ngày dự sinh

Ngày dự sinh là ngày bác sĩ ước đoán thai nhi được khoảng 40 tuần tuổi dựa vào kỳ kinh cuối trước khi có bầu của thai phụ. Tuy nhiên ngày dự sinh chỉ mang tính tương đối. Em bé không nhất định phải chào đời vào ngày đó mà có thể sinh sớm hơn hoặc muộn hơn.

Có khoảng 80% em bé không chào đời đúng ngày dự sinh nhưng thường là sớm hơn. Cũng có một số trường hợp em bé ở trong bụng mẹ lâu hơn. Em bé chào đời chậm hơn 1 tuần so với ngày dự sinh (từ 41 tuần đến 41 tuần 6 ngày) được gọi là thai quá ngày. Em bé sinh từ trên 42 tuần thai được gọi là thai già tháng.

Hiện vẫn chưa có nguyên nhân xác định em bé chào đời chậm hơn ngày dự sinh. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ như: con so (tức con đầu lòng của một bà mẹ); mẹ đã từng có thai kỳ quá ngày; thai nhi có giới tính nam; mẹ béo phì.

Nguy cơ liên quan đến thai già tháng

Không phải tất cả các trường hợp thai già tháng đều nguy hiểm tuy nhiên một số nguy cơ có thể xảy ra với em bé như: Thai quá to; hội chứng thai già tháng; nước ối giảm, giảm oxy tới thai nhi; tăng nguy cơ sinh mổ; thai chết lưu.

Những việc thai phụ cần làm khi chưa chuyển dạ dù đã qua ngày dự sinh

Đầu tiên, thai phụ cần đi khám thai theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Ngoài ra, mẹ nên theo dõi cử động cả bé mỗi ngày. Nên đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường, đặc biệt là đau bụng, ra huyết, ra nước âm đạo, em bé cử động quá ít hoặc quá nhiều so với bình thường.

Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể giúp mẹ chủ động chuyển dạ hoặc chỉ định mổ lấy thai.

Tác giả: Thanh Huyền