Chọn và ngâm đậu
Để có nồi chè đậu đen ngon, điều quan trọng là bạn cần chọn đậu đen hạt đều, kích thước vừa phải, vỏ mỏng, màu đen óng, bóp vào chắc ruột. Có hai loại đậu đen: lòng trắng và lòng xanh. Đậu đen lòng xanh ăn sẽ bùi thơm hơn.
Đậu mua về cần nhặt bỏ các hạt lép, sâu mọt rồi rửa sạch, đãi bỏ hạt lép còn sót (thường nổi lên trên nếu có). Cho đậu đen vào một cái âu, thêm nước ngâm ngập để loại bỏ vị chát còn vương lại và giúp đậu ngậm no nước, khi ninh sẽ nhanh mềm hơn. Nếu đậu mới, chỉ cần ngâm 30 phút; đậu cũ ngâm khoảng 1 tiếng.
Nấu và ủ đậu
Thông thường, nấu chè đậu đen phải ninh lửa nhỏ ít nhất 1 tiếng với đậu mới và lâu hơn với đậu cũ. Tuy nhiên, có một số mẹo và cách giúp rút ngắn thời gian ninh chè:
Cách 1: Cho đậu vào nồi cùng lượng nước (cân đủ số lượng người ăn), thêm chút muối và bật bếp đun sôi, hớt bỏ bọt, hạ lửa nhỏ ninh chè trong khoảng 5 phút. Sau đó tắt bếp, đậy vung om/ngâm khoảng 30 phút rồi tiếp tục nấu 5 phút, thêm đường cho vừa vị. Nếu muốn đậu nhừ hơn, dùng giấy bạc bọc kín miệng nồi để giữ nhiệt, giúp hạt đậu chín sâu mềm nhừ bên trong. Muối thêm khi ninh cũng là bí quyết giúp làm suy yếu phần nào phân tử pectin trong đậu, nên nhanh mềm hơn. Muối còn giúp các nụ vị giác hoạt động mạnh mẽ, làm chè có vị ngọt đậm đà hơn.
Cách 2: Dùng lá mít: Người dân miền Tây có mẹo khá hay khi dùng lá mít ninh cùng chè đậu đen giúp nhanh mềm mà không hề có vị hay ám mùi. Trong nhựa lá mít có chứa protease, một enzyme cắt mạch và phân giải các chuỗi protein (có trong đậu đen) thành các chuỗi peptide ngắn hơn, nhanh bị thủy phân và rút ngắn thời gian nấu. Trong nhiều món ăn miền Tây, lá mít được sử dụng thường xuyên như thịt kho hột vịt, hầm xương, hầm đuôi bò...
Cách 3: Nấu bằng nồi cơm điện: Cho đậu đen đã rửa và lượng nước vừa đủ vào nồi cơm điện, bật nấu sôi 10 - 15 phút, sau đó rút dây điện nhưng vẫn đậy nắp ủ. Sau vài tiếng hoặc qua đêm, đậu sẽ mềm nhừ. Thêm đường vào nấu sôi trở lại là được nồi chè thơm ngon.
Cách 4: Ủ bằng phích nước: Nấu sôi đậu đen và nước rồi đổ vào phích nước (cân lượng nước và đậu vừa đủ phích), đậy kín nắp ủ qua đêm. Sáng hôm sau, đậu sẽ mềm nhừ. Trút đậu ra, ướp với đường, xào thấm vị rồi trút nước đậu vào nấu sôi trở lại.
Ướp đậu với đường
Để có món chè đậu đen ngon hoàn hảo, vị ngọt thấm đượm vào tận sâu bên trong từng hạt đậu thì bạn nên ướp đường. Đậu đen sau khi ninh và ngâm ủ trở nên mềm nhừ, vớt riêng phần hạt ra ngâm với đường (vị ngọt điều chỉnh theo khẩu vị).
Sau khoảng 10 phút, cho đậu đen đã ướp vào nồi xào nhẹ tay vài phút để rút đường vào sâu bên trong. Đổ phần nước đậu lại nồi, đun sôi trở lại là được.
Cách nấu chè đậu đen cốt dừa
Nguyên liệu làm chè đậu đen nước cốt dừa
150g đậu đen
400ml nước cốt dừa
1 chén đường phèn
1.5 lít nước
1 ít muối
Cách làm chè đậu đen nước cốt dừa
Bước 1: Sơ chế đậu đen
Đậu đen sau khi mua về vo 2-3 lần với nước sạch, rồi ngâm nước khoảng 4-5 tiếng cho đậu mềm, vớt ra để ráo.
Bước 2: Nấu đậu đen
Bắc nồi lên bếp, cho khoảng 1.5 lít nước vào rồi đun thật sôi với lửa lớn khoảng 15 phút. Sau khi sôi, hé nắp nồi, chỉnh lửa vừa, đun thêm 20 phút.
Bước 3: Rim đậu đen
Sau khi ủ xong, dùng rây vớt phần đậu ra chảo, giữ lại phần nước. Cho vào chảo 1 chén đường phèn rồi rim lửa nhỏ khoảng 10 phút, đến khi đậu thấm đường và sệt lại. Nấu đậu 20 phút thì tắt bếp, đậy nắp và ủ thêm 15 phút.
Bước 4: Nấu chè đậu đen nước cốt dừa
Bắc nồi luộc đậu lên bếp, cho phần đậu vừa rim vào. Thêm 500ml nước, 1 ít muối, nấu với lửa lớn khoảng 15 phút cho thật sôi. Cuối cùng, múc phần đậu vào ly, thêm đá và rưới nước cốt dừa lên trên là có thể thưởng thức.
Thành phẩm
Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được hương vị ngọt thanh của đậu đen rim đường phèn, hòa quyện với nước cốt dừa thơm béo. Chỉ với vài bước đơn giản, bạn đã hoàn thành xong món chè đậu đen nước cốt dừa mát lạnh để giải nhiệt ngày hè. Hãy vào bếp và trổ tài ngay nhé!
Tác giả: Vũ Ngọc
-
Không chỉ để mượt tóc, dầu xả còn 12 công dụng hữu ích ai cũng cần nhưng nhiều người chưa biết
-
Nhựa mít dính đầy tay và dao: Làm ngay cách này chỉ cần rửa nhẹ là sạch bong
-
Rau má lá sen – ‘Cây tiền’ mang tài lộc, biểu tượng may mắn cho gia đình
-
Ngâm rau nước muối là xưa rồi vừa lâu vừa dại, chuyên gia mách cách trừ hóa chất và vi khuẩn chuẩn bài
-
Trong nhà có 3 điều này, thì gia đình sắp có niềm vui lớn, vượng khí vây quanh nhà