Trận bão lịch sử năm Giáp Thìn 1904
Đúng 120 năm về trước, vào năm Giáp Thìn 1904, một trận bão lớn ập vào Nam Bộ đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, gây thiệt hại lớn về mặt tài sản. Đây cũng chính là trận bão gắn liền với câu nói "Năm Thìn bão lụt".
Tư liệu lịch sử cụ thể về trận bão này không nhiều, chủ yếu thông qua các bài báo thuật lại sau này hoặc qua văn học dân gian.
Trên tờ Nông Cổ Mín Đàm (một trong vài tờ báo tiếng Việt xuất bản sớm ở Sài Gòn), số ra ngày 9/6/1904 có mấy câu thơ: "Thình lình một trận bão thinh không/Nước lụt năm rồng gặp tháng rồng/Giông thổi trốc cây chim khiếp vía/Đất bằng nổi sóng chúng kinh hồn…". Đây có lẽ là tờ báo chữ quốc ngữ đưa tin sớm nhất về trận bão kinh khủng xảy ra vào năm Giáp Thìn 1904.
Cũng theo báo Nông Cổ Mín Đàn, trận bão này xảy ra vào ngày Chủ nhật 1/5/1904 (tức tháng 3 âm lịch). Số báo ra ngày 5/5/1904 và các số tiếp theo có tường thuật lại tình hình thời điểm diễn ra cơn bão như sau: "Trong ngày 16/3, từ 6 giờ ban mai, trời mưa rỉ rả, tục gọi là mưa kéo vải, trời rập chẳng có mặt trời, mưa đến 12 giờ trưa. Gió thổi nặng ngọn, thổi riết đến 2 giờ chiều, thổi cho đến nhà xiêu cột ngả, tàu úp ghe chìm. Tại Sài Gòn me ngả đầy đàng, bên Xóm Chiếu nhà lăn chật đất, nước dâng lụt Nhà Bè, Long Kiểng, trâu bò trôi người vật lao xao".
Nông Cổ Mín Đàm số ra ngày 12/5/1904 tiếp tục có bài miêu tả hậu quả của trận bão như sau: "Tại Sài Gòn, dưới sông, ghe chài và ghe đò chìm chẳng biết bao nhiêu, trên bờ cây ngã chật đàng, cu li làm đàng dọn không xuể... Đèn khí thì đứt hết chạy không đặng đến đổi (đỗi) đô thành đều phải ở thầm, còn những kho tàng, nhà cửa, ghe tàu hư hại ước chừng một vạn hai ngàn chín trăm năm chục đồng bạc".
Tới 40 năm sau, tờ Nam Kỳ Tuần báo của nhà văn Hồ Biểu Chánh, trong số cuối cùng ra ngày 8/6/1944 lại có một bài viết miêu tả về trận bão lịch sử xảy ra vào năm 1904. Theo đó, trận bão đã làm những ngôi nhà lá, nhà cũ quanh vùng Sài Gòn thời bấy giờ phần lớn bị sập hoặc tốc nóc; tàu ghe cũng bị sóng gió đánh ập vào, va vào nhau rồi chìm xuống dòng nước...
Thời đó, dân gian còn truyền miệng những câu thơ kiểu như "Bến Thành nóc chợ cũng bay/ Đèn khí nó ngã nằm ngay cùng đường…" hay "Gặp em đây mới biết em còn/ Hồi năm Thìn bão lụt anh khóc mòn con ngươi"...
Riêng tại Sài Gòn, theo thống kê của nhà chức trách thời đó, cơn bão này đã khiến hơn 3000 người thiệt mạng, thiệt hại về tài sản lên tới 40 triệu đồng (tính theo giá trị bây giờ, con số này lên tới 1000 tỷ đồng).
Cơn bão gây ra thiệt hại nặng nề nhất ở khu vực Gò Công và vùng phụ cận. Hơn 60% nhà ở khu vực này bị sập, 5000 người chết trôi, 80% gia súc chết trong mưa bão...
Trận lũ lụt năm Giáp Thìn 1964
Theo ghi chép lịch sử, vào năm Giáp Thìn 1964, một trận lũ lụt lịch sử đã xảy ra ỏ khu vực sông Thu Bồn, Vu Gia, gây thiệt hại lớn ở các tỉnh miền Trung từ Huế đến Bình Định, khiến hàng vạn nhà cửa bị cuốn trôi, hàng nghìn người bỏ mạng, hàng nghìn hecta đồng ruộng của người dân bị bồi lấp. Các khu vực Đại Lộc, Quế Sơn (gồm cả huyện Nông Sơn hiện nay), Điện Bàn, Duy Xuyên... chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Theo thống kê thời bấy giờ, tại Đại Lộc, hơn 1.200 nhà bị trôi, 253 người chết, hơn 45.000 ang lúa, bắp cùng vô số gia súc và tài sản của người dân bị lũ cuốn trôi. Thiệt hại nặng nề nhất là các xã Lộc Quý, Lộc Sơn, Lộc Phước, Lộc Hòa, Lộc Vĩnh.
Trong khi đó, toàn bộ nhà cửa, tài sản, hoa màu của người dân huyện Quế Sơn, các thôn An Toàn (xã Hiệp Thuận), Bình Kiều (nay thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức), Thạch Bích bị lũ cuốn trôi. Trận lũ lụt cũng khiến hơn 5000 người ở khu vực này thiệt mạng và mất tích.
Theo đồng chí Phạm Thanh Ba - nguyên Chánh Văn phòng Đặc khu ủy Quảng Đà kể lại trong cuốn hồi ký "Dấu ấn thời gian", thời điểm đó, một trận mưa lớn kéo dài suốt 9-10 ngày diễn ra ở khu vực này khiến nước cuồn cuộn đổ về các sông suối, làm ngập toàn bộ xóm làng, có những thôn chỉ còn thấy vài ngọn tre nổi lên trên mặt nước.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Châu - Trưởng ban Giao bưu Quảng Đà lúc bấy giờ, là người có mặt tại xã Điện tiến trong thời điểm lũ lụt kể rằng ngày ngày 7/11/1964 nước xuống rất mạnh trên sông Yên. Khi nước ngập, nhiều người phải leo lên nóc nhà. Tuy nhiên, dòng nước lớn thậm chí còn cuốn trôi cả mái nhà khiến hàng chục mạng người bám trên nóc nhà cũng trôi theo dòng nước.
Thời điểm đó, ngoài nước lũ, sạt lở đất cũng vùi lấp nhiều buôn làng, một số bệnh xá, cơ quan đơn vị...
Siêu bão Yagi năm Giáp Thìn 2024
Yagi là siêu bão hiếm thấy, theo chia sẻ của ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Các siêu bão trước đây chủ yếu hình thành ở khu vực bắc Thái Bình Dương sau đó đi vào biển Đông và suy giảm về cường độ, rất hiếm trường hợp bão mạnh lên thành siêu bão ngay trên khu vực Biển Đông.
Bão Yagi mạnh lên rất nhanh. Khi vào biển Đông ngày 2/9, bão ở cấp 8. Hơn 2 ngày sau, tức là đến ngày 5/9, bão đã mạnh thêm 8 cấp, đạt cấp 16 và được coi là siêu bão. Thời gian duy trì cường độ cấp 16 của cơn bão này là hơn 1 ngày. Đây được coi là khoảng thời gian rất dài đối với một siêu bão ở Biển Đông.
Theo ông Khiêm, bão Yagi là siêu bão có cường độ mạnh nhất hoạt động trên khu vực Biển Đông trong khoảng 30 năm trở lại đây.
Tác giả: Thanh Huyền
-
Vì sao người xưa có câu 'Năm Thìn bão lụt'? Có phải cứ năm Thìn sẽ có siêu bão?
-
Mưa bão làm cây đổ đè trúng ô tô, chủ xe có được bảo hiểm bồi thường không?
-
Những thiết bị điện nên rút phích cắm khi trời mưa bão, sấm sét
-
Chi tiết các tỉnh, thành cho học sinh các cấp nghỉ tránh bão Yagi - bão số 3
-
Cách người xưa bảo quản trứng: Không cần tủ lạnh, trứng để cả tháng vẫn tươi ngon