Người dân đua nhau uống chanh sả gừng để phòng chống Covid-19, có tác dụng thật không: Nghe bác sĩ nói

( PHUNUTODAY ) - Hiện nay, trên mạng có rất nhiều thông tin cho rằng uống nước chanh sả gừng có thể chống Covid-19 nên người Việt đua nhau uống. Tuy nhiên loại nước này có tác dụng thật không?

Hiện nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến nguy hiểm, người dân lúc nào cũng trong tâm lý hoang mang, sợ bệnh.

Mà đúng với tâm lý 'có bệnh thì vái tứ phương', nhiều người Việt thấy thông tin lan truyền trên mạng nói rằng nước chanh sả gừng có thể ngừa Covid-19 nên đua nhau nấu uống.

Tuy nhiên, sự thực loại nước này có thật sự có hiệu quả phòng ngừa, chữa trị virus Covid-19 hay không thì không ai dám chắc.

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Dung, Giám đốc phòng khám Y học cổ truyền Nhân Ái (TP.HCM), cho biết người dân sử dụng sai cách có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

Chanh có chứa lượng vitamin C rất lớn. Tuy nhiên, vị chua từ chanh lại làm tăng axit trong dạ dày, ảnh hưởng người có bệnh lý dạ dày. Ngoài ra, uống nhiều nước chanh với lượng vitamin C lớn sẽ kích thích đi tiểu nhiều lần, có thể làm cơ thể mệt mỏi.

Sả có thành phần chủ yếu là tinh dầu, có vị cay, tính ấm. Tinh dầu sả hỗ trợ khá tốt cho hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, nấu nước sả uống thay nước lọc trong thời gian dài, nhiều ngày liên tục sẽ tăng cảm giác nóng vùng dạ dày, ợ nóng. Hiện tượng này dẫn đến nguy cơ trào ngược dạ dày - thực quản. Ngoài ra, sả chứa nhiều tinh dầu, nếu uống nhiều gây ra nóng trong người, mắt đổ ghèn hoặc nổi mụn nhọt trên mặt.

Trong Đông y, gừng gọi là sinh khương. Chúng có vị cay, tính ôn ấm. Tác dụng gừng là phát hàn, ôn trung, chữa nôn. Gừng hay dùng để chữa các bệnh ngoại cảm, người cơ địa hàn, bụng đầy trướng, tiêu chảy, đàm ẩm sinh ho.

Tuy nhiên, nếu sử dụng lâu dài, gừng có vị cay, nóng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dạ dày và tiêu hóa, thậm chí gây táo bón, nóng rát hậu môn khi đại tiện.

Cách sử dụng nước chanh, sả, gừng:

Theo bác sĩ Thanh Dung, việc nấu nước chanh, sả, gừng uống liên tục, thay nước lọc là không nên. Chúng ta có thể đưa những thực phẩm này vào khi chế biến các món ăn, giúp kích thích ăn uống ngon miệng. Nếu sử dụng loại nước này, bạn chỉ nên uống xen kẽ trong tuần, liều lượng 2-3 ly/tuần.

Ngoài sử dụng loại nước này, người dân có thể bổ sung vitamin C bằng cách ăn các loại trái cây như cam, bưởi, ổi..., kèm theo rau, củ.

"Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, chúng ta nên cố gắng giữ bình tĩnh trước những thông tin chia sẻ tràn lan trên mạng. Trước khi dùng bất cứ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ", bác sĩ Dung khuyến cáo.

Bác sĩ Phạm Ánh Ngân - Bệnh viện Đại học Y dược, cơ sở 3 (TP.HCM) - cho biết qua thông tin việc sử dụng chanh, sả, gừng để uống và xông mũi họng có tác dụng ngăn ngừa virus đã khiến người dân tập trung mua những loại thực phẩm này, tạo sự thiếu hụt hàng hóa, giá các loại này tăng cao gấp 2 - 3 lần so với bình thường, và việc sử dụng sai cách cũng đem lại nhiều phản ứng có hại.

Bác sĩ Ngân cho biết việc sử dụng các loại thực phẩm như chanh, gừng, sả nên được đưa về mức hài hòa như thói quen ăn uống hằng ngày, có thể sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm. Không nên nấu riêng các loại gừng sả để uống liên tục trong ngày.

Nếu trà gừng, trà cam sả hoặc nước sả là một thức uống quen thuộc của gia đình, chỉ nên uống xen kẽ trong tuần, không thay thế nước lọc. Trong tuần có thể bổ sung 2-3 ly nước cam/chanh, kèm theo việc ăn các loại rau trái, là đủ để cung cấp vitamin cần thiết cho cơ thể.

Nếu sử dụng vitamin C dạng viên sủi, không dùng quá 2.000mg/ngày và không dùng liên tục trừ trường hợp có chỉ định của bác sĩ.

Bác sĩ Ngân cho biết trong giai đoạn chống dịch hiện nay, chúng ta cố gắng giữ mình bình tĩnh trước những thông tin tư vấn, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc, kể cả các thực phẩm chức năng, cũng như lắng nghe đáp ứng của cơ thể với các loại thực phẩm, để duy trì sức khỏe và tinh thần ổn định.

Lưu ý khi phòng Covid-19

- Bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra, lây qua đường không khí, giọt bắn, hạt khí dung hay qua tiếp xúc trực tiếp.

- Thời gian ủ bệnh là 2-14 ngày, trung bình 5-7 ngày với triệu chứng hay gặp nhất là: Sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ, đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy.

Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi.

- Tuân thủ 5K là biện pháp quan trọng để phòng lây nhiễm SARS-CoV-2.

Mong rằng chúng ta sẽ nắm bắt đầy đủ những thông tin hữu ích trong việc phòng chống Covid-19 để việc đầy lùi dịch bệnh sớm đạt hiệu quả cao.

Tác giả: Thạch Thảo