Điểm khác biệt giữa ảnh chụp phổi bệnh nhân Covid-19 đã tiêm và chưa tiêm vắcxin
Ngày 30/7 vừa qua, Tiến sĩ Ghassan Kamel (giám đốc tại đơn vị chăm sóc tích cực (ICU) tại Bệnh viện SSM Health SLU ở thành phố St. Louis, bang Missouri, Mỹ) đã tiết lộ một vài thông tin về bệnh nhân Covid-19 với báo giới.
Ông cho biết, những bệnh nhân mà mình tiếp nhận thời gian gần đây có điểm chung là trẻ tuổi hơn so với số bệnh nhân mà ông điều trị vào hồi tháng 12/2020. Hơn nữa, hầu hết trong số họ đều chưa tiêm vắc xin Covid-19.
"Chúng tôi đang tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân ốm yếu", Tiến sĩ Ghassan Kamel nói.
Nhằm so sánh xem hiệu quả của vắc xin Covid-19 như thế nào đối với cơ thể người bệnh, đại diện của Bệnh viện SSM Health SLU đã cung cấp bức ảnh chụp X-quang phổi của 2 bệnh nhân khác nhau. Trong đó, một người đã tiêm vaccine và người còn lại thì không.
Nhìn vào 2 bức ảnh chụp X-quang, Tiến sĩ Kamel cho biết phần màu trắng trong hình chính là tác động của virus trong phổi. Phần màu trắng này có thể là vi khuẩn, chất nhầy hoặc dịch tiết của bệnh nhân.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào hình ảnh X-quang của bệnh nhân đã tiêm vaccine, chúng ta sẽ thấy có nhiều phần màu đen hơn. Theo Tiến sĩ Kamel, màu đen là dấu hiệu của việc phổi chứa nhiều không khí hơn. Ông cũng giải thích rằng những trường hợp đã tiêm vaccine mà mắc Covid-19 như thế này hiếm khi xảy ra, chỉ rơi vào khoảng 1%. Khi đã tiêm vaccine mà không may nhiễm bệnh, bệnh nhân cũng không cần phải đến bệnh viện. Kể cả khi họ đến bệnh viện thì cũng không cần phải vào phòng ICU, trừ khi họ có bệnh nền từ trước hoặc bị suy giảm miễn dịch.
Ngược lại, hình chụp X-quang của người chưa tiêm vắc xin Covid-19 có nhiều vùng trắng, bác sĩ đánh giá đây là một bệnh nhân cần sự hỗ trợ của y tế.
"Bệnh nhân này ít nhất cũng cần oxy, có thể cần dùng cả máy thở hoặc được đặt nội khí quản, hay dùng thuốc an thần để hỗ trợ sự sống", Tiến sĩ Kamel cho hay.
Tương tự, Tiến sĩ Anne Gabriel-Chan là một chuyên gia truyền nhiễm đang làm việc tại một bệnh viện lớn ở Philippines, mới đây bà cũng đã có lời khuyên dành cho người đang còn chần chừ trong việc lựa chọn vắc xin.
Theo các phương tiện truyền thông đưa tin, Philippines hiện tại đang bị đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng, và quốc gia này đã tích cực tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin, nhưng vì nhiều người có tâm lý lựa chọn vắc xin nên tỷ lệ tiêm chủng của quốc gia này đã không thể tăng như kế hoạch.
Bác sĩ bệnh truyền nhiễm người Philippines Anne Gabriel-Chan gần đây đã cho mọi người xem những tấm phim chụp X-quang phổi của 4 bệnh nhân mắc COVID-19, so sánh tình trạng của những bệnh nhân được tiêm các loại vắc xin khác nhau và khuyến khích mọi người nên sớm đi tiêm chủng.
Tiêm vắc xin loại nào cũng đều bảo vệ phổi tốt hơn là không tiêm
Tổng hợp thông tin từ các phương tiện truyền thông Philippines cho hay, bác sĩ Anne Chen lần đầu tiên cho 3 bệnh nhân xem phim chụp X-quang, có thể thấy phổi của họ không có nhiều thay đổi, thậm chí không khác gì những người bình thường không mắc bệnh.
Bác sĩ Anne Chen chỉ ra rằng 3 bệnh nhân này đã được tiêm 2 liều của 3 loại vắc xin khác nhau là Pfizer, AstraZeneca và Kexing của Trung Quốc ít nhất 2 tuần trước khi bị nhiễm bệnh, do đó, các triệu chứng Covid-19 của họ rất nhẹ, thậm chí một số người còn gần như bằng không.
Điều này cho thấy rằng tiêm vắc xin thực sự là một lựa chọn đúng. Bởi sau khi tiêm, vắc xin đã phát huy tác dụng của nó để ngăn những bệnh nhân này bị nặng hơn.
Tuy nhiên, trên phim chụp X-quang của bệnh nhân thứ 4 chưa từng được tiêm vắc xin Covid-19, có thể thấy phổi của anh ta rõ ràng là bị xơ hóa, và bệnh nhân không còn thở được khi được đưa đến bệnh viện, cho thấy phổi của anh ta không còn hoạt động bình thường, cần được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt với phẫu thuật xâm lấn để sống sót.
Tiến sĩ Anne Chen chỉ ra rằng ngay cả khi mọi người tiêm đủ hai liều vắc xin Covid-19, họ vẫn có nguy cơ nhiễm virus.
Tuy nhiên, sau khi bị nhiễm bệnh, tình trạng bệnh của những bệnh nhân đã tiêm phòng sẽ giảm đi rất nhiều nguy cơ trở nên trầm trọng, thậm chí có khả năng phải nhập viện đến phòng chăm sóc đặc biệt. Điều đó có nghĩa là, tiêm xong nếu bị mắc Covid-19, tình trạng sức khỏe của người bệnh cũng nhẹ hơn, rủi ro nhập viện và tử vong ít hơn.
Ngoài ra, bà Anne cũng đề cập rằng không có loại vắc xin nào hiệu quả hơn các loại vắc xin nào, do đó, những người cho rằng "vắc xin này tốt hơn vắc xin kia" nên loại bỏ những lầm tưởng tương tự, bởi vì trường hợp này đã chứng minh rằng các loại vắc xin khác nhau sẽ mang lại cùng một kết quả, tức là làm giảm nguy cơ mắc bệnh COVID-19 dẫn đến nghiêm trọng.
Cuối cùng, bác sĩ Anne Chen cũng không quên kêu gọi công chúng rằng thay vì cân nhắc lựa chọn vắc xin khi tiêm chủng, tốt hơn hết là bạn nên quyết định xem bạn có được tiêm vắc xin hay không, vì dù bạn có bị đối mặt với virus biến thể Delta hay không, việc được tiêm vắc xin là một trong những phương pháp bảo vệ hiệu quả nhất mà mọi người có thể nhận được.
Xơ phổi hay xơ hóa phổi (Pulmonary Fibrosis) là tình trạng các mô trong phổi bị tổn thương, dày lên, xơ cứng, mất chức năng đàn hồi và tạo thành sẹo ở phổi (bao gồm cả đỉnh và thùy phổi).
Những vết sẹo ở phổi ngăn chặn và cản trở hoạt động hít thở của người bệnh, khiến người bệnh khó thở cùng các biến chứng nguy hiểm khác.