Vắc-xin cũng giống một loại thuốc, có thể gây ra một số phản ứng sau khi tiêm. Đây là điều hoàn toàn bình thường và nằm trong dự liệu của các nhà khoa học.
Vắc-xin Covid-19 cũng vậy. Trong nghiên cứu lâm sàng, hầu hết các tác dụng phụ không mong muốn của vắc xin đều ở mức độ nhẹ đến trung bình và sẽ hết trong vòng vài ngày đến 1 tuần.
Các phản ứng xảy ra sau tiêm chứng tỏ vắc-xin đang kích thích cơ thể tạo phản ứng miễn dịch. Đây là một phần quá trình huấn luyện hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện và tiêu diệt virus nếu virus xâm nhập vào cơ thể.
Tùy theo cơ địa mà các phản ứng sau tiêm của mỗi người sẽ khác nhau. Những người có tiền sử mắc các bệnh dị ứng thì sau khi tiêm có thể gặp phản ứng dị ứng cao hơn so với người không mắc.
Do đó, trước khi tiêm vắc-xin hay dùng bất cứ loại thuốc điều trị nào, người có cơ địa dị ứng cần khai báo kỹ để bác sĩ cân nhắc có nên tiêm hay không. Nếu có tiêm, sẽ có kế hoạch theo dõi kỹ sau tiêm.
Theo Sức khỏe & Đời sống, TS.BS.Nguyễn Hữu Trường - Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết theo hướng dẫn sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin Covid-19 của Bộ Y tế, những trường hợp có tiền sử dị ứng nặng (phản vệ từ độ 2 trở lên) do mọi nguyên nhân đều không được chỉ định tiêm. Những người có tiền sử bị viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng hoặc dị ứng nhẹ ngoài da do thuốc, thức ăn... vẫn có thể được chỉ định tiêm như người không có tiền sử bị dị ứng.
Một số đối tượng được chỉ định tiêm vắc-xin Covid-19 nhưng cần đặc biệt thận trọng, bao gồm: Người có tiền sử dị ứng tức thì với nhiều loại thuốc, dị ứng vắc xin, hội chứng quá mẫn với aspirin và thuốc chống viêm, giảm đau không steroid, tiền sử phản vệ không rõ nguyên nhân hoặc bệnh lý tế bào mast.
TS Phạm Quang Thái – Trưởng phòng tiêm chủng khu vực phía Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ trên Infonet, dị ứng cũng có nhiều mức độ.
"Nếu dị ứng ở mức độ phản vệ từ độ 2 trở lên thì chắc chắn không được tiêm dù là ở bệnh viện hay ở đâu.
Còn nếu chỉ dị ứng ở mức độ nổi mề đay bình thường thì những trường hợp này có thể tiêm được nhưng cần tiêm và theo dõi tại bệnh viện/trung tâm y tế – nơi có phòng cấp cứu chứ không phải tiêm ở phường xã hay những điểm tiêm ở ngoài bệnh viện", TS Thái cho biết.
TS Thái cho biết giãn mạch, giải phóng dịch từ trong lòng mạch ra ngoài, dẫn đến phản ứng khác của cơ thể nặng hơn như tụt huyết áp, phù nề thanh khí quản, khó thở...
Vị bác sĩ này giải thích cụ thể: "Phản vệ được xếp theo 4 cấp độ 1, 2, 3, 4. Những người có cơ địa phản ứng phản vệ từ độ 2 trở lên sẽ có từ 2 biểu hiện của da, hô hấp hay huyết áp trở lên. Ở da như mày đay, phù mạch, ở hệ hô hấp có khó thở (hoặc khó nói), thở rít; Tụt huyết áp hay hệ quả của nó là rối loạn ý thức hoặc đau bụng, rối loạn tiêu hóa..
Cơ bản, phản vệ độ hai chính là một dạng dị ứng nặng phải điều trị nếu không sẽ tiến triển lên độ ba và nguy cơ tử vong. Vì vậy, với người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên sẽ chống chỉ định với tiêm vắc xin Covid-19 dù bất kỳ phản vệ với cái gì (trứng, thuốc kháng sinh, tôm cua, hải sản…). Theo quy định của Bộ Y tế, những trường hợp này đều không được tiêm vắc xin trong giai đoạn này".
TS Thái cũng thông tin thêm, một số nước trên thế giới vẫn cho các trường hợp phản vệ với các chất không có trong thần phần của vắc xin được tiêm phòng Covid-19 nhưng sau tiêm phải được theo dõi hết sức cẩn thận trong bệnh viện.
Với những trường hợp từng phản vệ với liều tiêm trước hoặc phản vệ với thành phần tương tự có trong vắc-xin (chẳng hạn như phản vệ đường, lúa mì, rượu, mĩ phẩm, chất hoạt động bề mặt) đều có chống chị định tuyệt đối. Hiện không có quốc gia nào khuyến cáo test dị nguyên trước khi tiêm chủng vắc xin Covid-19.
Tác giả: Thanh Huyền
-
Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cần bao lâu mới phát huy tác dụng?
-
Tiêm vắc xin nCoV xong, thấy 1 trong 8 dấu hiệu cần gọi bác sĩ ngay, BYT khuyến cáo ai cũng phải biết
-
3 trường hợp bác sĩ có thể từ chối tiêm vắc xin Covid-19 khi khám sáng lọc, biết để an toàn
-
Vắc xin có đủ "đánh bại" biến chủng Delta ?
-
Điều cần biết khi tiêm vắc xin Pfizer, AstraZeneca và Moderna: Có sự khác biệt, mọi người cần chú ý