Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả bảo vệ 95%. Đối với vắc xin Moderna, tỉ lệ hiệu quả là 94,1%. Johnson & Johnson phát hiện ra rằng vắc xin đơn liều của họ có hiệu quả 66% trong việc ngăn ngừa bệnh từ trung bình đến nặng và 85% hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng. Tuy nhiên, khả năng tạo ra miễn dịch với Covid-19 sẽ mất nhiều thời gian, ngay cả sau khi tiêm chủng.
Theo William Lang, Giám đốc y tế của công ty World Clinic, cơ thể không có khả năng tạo ra miễn dịch ngay sau khi tiêm vắc xin. Ông Lang chia sẻ trên tạp chí Verywell: "Cơ thể cần thời gian để tạo ra đủ kháng thể cho bất kỳ loại vắc xin nào".
Theo TS- BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng tiem chủng miền Bắc, Phó trưởng khoa Kiểm síat bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, vắc xin không đem lại sự bảo vệ tức thì. Sau tiêm mũi 1 phải ít nhất 14 ngày sau mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt ở mức bảo vệ rất thấp. Sau tiêm mũi thứ 2 từ 1 tháng trở ra thì vắc xin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60%-90% tùy theo loại vắc xin.
Chuyên gia này nhấn mạnh, vắc xin Covid -19 không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ cơ thể không mang mầm bệnh. Điều này có nghĩa là khi đã tiêm vắc xin, chúng ta có thể không mắc Covid-19, nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác.
Đối với vắc xin Pfizer, hiệu quả kháng thể được tạo ta mất ít nhất bảy ngày sau tiêm liều thứ hai. Đối với vắc xin Moderna, khả năng miễn dịch chỉ đạt được từ ít nhất 14 ngày sau liều thứ hai.
Để tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, mọi người cần dùng hai liều tiêm vắc xin.