Nữ sinh 16 tuổi nặng 90kg nguy kịch vì nCoV: Cảnh báo người thừa cân, béo phì trong đại dịch

( PHUNUTODAY ) - Các bác sĩ cảnh báo, những người thừa cân, béo phì có rất nhiều nguy cơ biến chứng khi không may mắc nCoV.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố ngày 19/8 cho biết bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu hồi cuối tháng 7, bệnh nền béo phì, diễn biến Covid-19 nguy kịch.

Các bác sĩ gặp nhiều thách thức trong quá trình điều trị, khi phải tính toán liều thuốc sao cho phù hợp với thể trạng trẻ, việc chăm sóc cũng nặng nhọc không kém so với bệnh nhân người lớn béo phì.

Bệnh nhân này là L.T.L. (16 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) và câu chuyện vừa được Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) chia sẻ.

Nữ sinh nặng 90 kg suy hô hấp nguy kịch vì nCoV

Bác sĩ Vũ cho biết, L. bị suy hô hấp do nCoV diễn biến nặng, được thở oxy liều cao và các thuốc kháng sinh, kháng viêm tạm thời nhưng không hiệu quả. Đến giữa đêm cuối tháng 7, L. được chuyển từ một bệnh viện quốc tế đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Theo bác sĩ Vũ, vì cân nặng của L. lúc tiếp nhận quá khổ so với tuổi đời (gần 90 kg), khiến các y bác sĩ gặp thêm nhiều khó khăn trong chỉ định các liều thuốc và nhân lực chăm sóc cho người bệnh.

Các bác sĩ khoa Nhiễm - Hồi sức tích cực dưới sự chỉ đạo của PGĐ bệnh viện Nguyễn Minh Tiến và bác sĩ Nguyễn Trần Nam, bác sĩ trưởng khoa Hồi sức tích cực Lê Vũ Phượng Thy..., đã liên tục hội chẩn để ứng phó với từng diễn biến bệnh lý của L.

Bệnh nhân L. được chẩn đoán suy hô hấp nguy kịch, tăng đông, hội chứng viêm đa hệ thống, cân bằng dịch, viêm xẹp phổi, nhiễm trùng, tổn thương đa cơ quan..., từng vấn đề được hội chẩn, thống nhất và giải quyết kịp thời.

Cũng ở thời điểm này, ê-kíp y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đang căng mình thay tua canh gác cho 4-5 trẻ nặng, nguy kịch cùng lúc.

Theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, bệnh nhân L. là trẻ mắc nCoV nguy kịch đầu tiên tại Việt Nam được điều trị lọc máu thành công

Các bác sĩ cho biết, quá trình điều trị nữ sinh  L. được lọc máu, dùng HFNC (máy thở oxy dòng cao - một dạng thở máy không xâm nhập), rồi đặt ống nội khí quản lắp máy thở, đồng thời sử dụng nhiều loại thuốc. Ở bệnh nhân này, hầu như tất cả điều trị chuyên sâu một ca nCoV nguy kịch nhất của người lớn đều được thiết lập.

Sau một tuần, tình trạng của nữ sinh L. đã hồi phục ngoạn mục và được ngưng lọc máu, cai máy thở. Hai lá phổi của L. cũng đang hồi phục dần với những liều kháng sinh, kháng viêm và dòng oxy hỗ trợ cuối cùng.

Theo thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, việc chăm sóc trẻ nhiễm virus SARS-CoV-2 có đặc thù khác hơn so với người lớn, đặc biệt là về các loại thuốc điều trị triệu chứng phải phù hợp độ tuổi. Các bác sĩ cũng phải rất thận trọng khi sàng lọc các biến chứng nếu như có dấu hiệu xuất hiện.

Trước đó, bệnh viện cũng cứu sống 1 trường hợp nguy kịch khác bị béo phì là bé gái 14 tuổi. Sau hơn một tháng điều trị, bệnh nhi có 3 lần xét nghiệm RT-PCR cho kết quả âm tính, hồi phục khỏe mạnh và được xuất viện.

Hiện tại khu điều trị bệnh nhi nCoV tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố đang có 4-5 trường hợp nặng và nguy kịch

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho hay đặc điểm chung của các bệnh nhi trở nặng là thừa cân, béo phì. Theo đó, cơ địa béo phì là một yếu tố gây khó khăn cho quá trình điều trị. Các bác sĩ phải điều chỉnh lại cân nặng bệnh nhi cho thích hợp để sử dụng thuốc và dịch truyền. Tránh truyền thừa gây quá tải dịch, làm nặng thêm tình trạng suy hô hấp, hoặc truyền thiếu dịch gây giảm tưới máu các cơ quan, khô tắc đàm đường hô hấp.

Tại sao người béo phì mắc nCoV dễ trở nặng?

Theo kết quả từ 75 nghiên cứu liên quan với hơn 300.000 người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2 tại 10 quốc gia ở châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ cho thấy, người béo phì gia tăng nguy cơ mắc nCoV và tăng nguy cơ mắc bệnh nặng.

Cụ thể, tình trạng béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên 46%, tăng nguy cơ nhập viện khi đã mắc nCoV lên 113%, tăng nguy cơ chuyển vào khoa hồi sức tích cực (ICU) lên 74%, và gia tăng nguy cơ qua đời lên 48% so với người bệnh có tình trạng dinh dưỡng bình thường.

Lý do vì tình trạng béo phì làm gia tăng nguy cơ mắc và tiên lượng nặng khi nhiễm nCoV thông qua nhiều cơ chế khác nhau. Trước tiên bản thân mô mỡ ở người béo phì sẽ kích thích tiết ra nhiều cytokine có tác dụng gây viêm và làm phá hủy tế bào hơn so với người bình thường. Đây cũng là các nhóm chất mà cơ thể chúng ta bị gia tăng khi nhiễm nCoV.

Như vậy, với tác dụng kép của béo phì và nCoV sẽ làm gia tăng tác hại của các hóa chất cytokine gây viêm và độc lên tế bào. Ngoài ra, ở người béo phì, tế bào miễn dịch có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể như tế bào tiêu diệt tự nhiên và tế bào lympho T bảo vệ màng nhày cũng bị khiếm khuyết hay thiếu hụt.

Hơn nữa, các biến chứng của bệnh béo phì như rối loạn chức năng thông khí, khó thở lúc ngủ do tắc nghẽn vì béo phì gây ra cũng là nguyên nhân khiến chức năng hô hấp khi mắc nhiễm nCoV bị giảm.

Đồng thời, những bệnh đi kèm như tăng insulin, rối loạn đường huyết lúc đói, đái tháo đường tuýp 2, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, tim mạch và suy giảm chức năng gan thận là những hậu quả của béo phì lâu ngày, điều này gây khó khăn cho việc điều trị và tăng nguy cơ nặng khi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tác giả: Thạch Thảo