Dấu hiệu chuyển nặng ở bệnh nhân Covid-19
Chia sẻ với báo Tổ quốc, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái – Trung tâm Bệnh nhiệt đới BV Bạch Mai, người đang tham gia tăng cường hỗ trợ Covid-19 cho TP. HCM cho biết người mới mắc Covid-19 cơ thể thường không có diễn biến. Sau giai đoạn ủ bệnh, 56% người bệnh không có dấu hiệu gì. Tỷ lệ người bệnh còn lại tiếp tục xuất hiện thêm các biểu hiện như sốt, mệt, ho khan, phim X-quang có biểu hiện viêm phổi nhẹ.
Khoảng 20% người có những biểu hiện này tiếp tục tiến triển hơn như khó thở, bệnh nền trỗi dậy. Khi đó, người bệnh có nhu cầu điều trị y tế. Nếu không được hỗ trợ, bệnh tình có thể tiến triển và nguy kịch. Nguy kịch không điều trị hiệu quả sẽ dẫn đến tử vong.
Theo bác sĩ, khi ở F0 ở trong cộng đồng, giai đoạn quan trọng nhất để theo dõi bệnh là từ 7-10 ngày dầu nhiễm Covid-19. Sau thời gian này nếu không có tiến triển, cho thấy người nhiễm bệnh không có tiến triển và có thể tự hết virus.
Để biết mình có khó thở hay không, bác sĩ Thái khuyên F0 nên đi bộ trong 6 phút. Sau khi đi bộ, F0 hãy đo SpO2, đo nhịp thở. Nếu sau khi đi bộ mà SpO2 tụt, thở nhanh thì đó là biểu hiện gợi ý thiếu oxy máu tiềm ẩn. Nếu SpO2 vẫn ở mức trên 95% thì không đáng lo.
Ngoài đi bộ 6 phút, F0 cũng có thể leo 1-2 tầng cầu thang. Nếu khi leo thấy hụt hơi, khó thở và phải ngồi xuống, dựa vào tường để thở thì đó là dấu hiệu của khó thở thật. Nếu gặp trường hợp này, bác sĩ khuyến nghị người dân nên liên hệ với nhân viên y tế đễ được hỗ trợ đưa vào bệnh viện. Đó có thể là tổ phản ứng nhanh, 115 và không nên đòi hỏi tuyến y tế cao nhất. Lúc này nên đến bệnh viện gần nhất để được hỗ trợ thở oxy ngay.
Khi khó thở và cần đến cơ sở y tế, nên dùng xe chuyên dụng vì trên xe có bình oxy hỗ trợ người bệnh.
Nếu chọn tuyến cao hơn nhưng cách xa tới 1-2 tiếng di chuyển thì sẽ nguy hiểm hơn so với cơ sở gần nhất trong việc được hỗ trợ oxy. Sau đó, nếu bệnh tình diễn tiến nặng, bệnh nhân sẽ được xe chuyên dụng 115 chuyển viện. Như vậy đảm bảo an toàn hơn rất nhiều.
F0 nên sử dụng thuốc như thế nào?
Trong thời gian chờ hỗ trợ y tế, người bệnh cần thường xuyên cập nhật tình hình sức khỏe với nhân viên y tế. Đồng thời, người bệnh cần được nghỉ ngơi, ăn uống thật tốt.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế TP. HCM, người bệnh bắt đầu có biểu hiện chuyển nặng có thể sử dụng các thuốc chống viêm.
F0 ở nhà vẫn có thể dùng thuốc chống viêm, chống đông theo hướng dẫn. Khi biểu hiện khó thở xuất hiện là thời điểm phù hợp để dùng thuốc chống viêm, chống đông.
Cụ thể, Các thuốc chống viêm Dexamethasone 0,5 mg, mỗi ngày uống 12 viên. Nếu không có Dexamethasone 0,5 mg, có thể thay thế bằng Methylprenisolon 16 mg, liều dùng 2 viên một ngày.
Thuốc chống đông, dùng một trong 3 loại:
- Rivaroxaban 10mg, 1 viên một ngày.
- Hoặc Apixaban 2,5 mg, 2 viên /ngày.
- Hoặc Dabigatran 110 mg, 2 viên một ngày chia làm 2 lần sáng và chiều.
Bác sĩ Thái lưu ý, thuốc chống đông, chống viêm cũng có tác dụng phụ. Do đó, phụ nữ có thai và cho con bú không nên uống. Một số người có bệnh lý nên như viêm dạ dày, tá tràng, suy gan, chảy máu đường tiêu hóa cũng không nên dùng loại thuốc này. Trong trường hợp có bệnh lý nên như vậy, người bệnh cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt để bác sĩ kê đơn thuốc khác.