Đa phần rau xanh đều cung cấp chất dinh dưỡng tốt cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, có những loại rau củ nếu xanh thì tốt nhất không nên ăn kẻo có thể nhiễm độc tố, nguy hại tới sức khoẻ, thậm chí đe doạ tính mạng con người.
1. Khoai tây xanh
Khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, khoai tây dần xuất hiện mảng màu xanh và lan dần ra nguyên củ. Nguyên nhân chính là do sự xuất hiện của chất diệp lục ở lớp bên dưới của vỏ khoai. Đây là dấu hiệu cho thấy khoai tây đã bắt đầu sản sinh ra glycoalkaloid, hay còn được gọi là solanine.
Solanine là cơ chế bảo vệ tự nhiên của khoai tây khỏi tác nhân của tia UV, côn trùng, động vật và các loại nấm gây hại. Cơ chế hoạt động của hợp chất này chính là ức chế enzyme dẫn đến phá hủy một vài chất dẫn truyền của thần kinh. Bên cạnh đó, solanine còn gây hỏng màng tế bào và tính thấm của ruột.
Theo tạp chí Best Life, hàm lượng solanine cao có thể gây ngộ độc cho con người. Cụ thể hơn, khi khoai tây có vỏ xanh thì tinh bột trong khoai được chuyển thành đường, lượng đường này sẽ biến đổi thành các alcaloid gọi là solanine và chaconine-alpha có hại gây nên ngộ độc khoai tây. Nếu ăn một lượng ít, các alcaloid này có thể gây nên các bệnh về đường tiêu hóa.
Các triệu chứng nhẹ và phổ biến bạn có thể gặp phải như đau bụng, sốt, tiêu chảy, đau đầu, nôn mửa, khó thở,...hoặc gây ra những triệu chứng nặng, trầm trọng hơn như tê liệt, co giật, hôn mê và có thể gây tử vong. Đối với các triệu chứng nhẹ có thể thuyên giảm và biến mất trong vòng 24h, hoặc đối với các triệu chứng nặng hơn, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và chữa trị.
Vì thế, để an toàn, tốt nhất không nên ăn khoai tây xanh dù nhiều hay ít. Hãy bảo quản khoai tây ở nơi khô mát, tối.
2. Cà chua xanh
Để có được vị trí ngày nay, cà chua đã trải qua nhiều bước thăng trầm. Tuy vào châu Âu từ lâu, nhưng mấy trăm năm sau, cà chua vẫn bị người Tây Ban Nha xem là cây làm cảnh có quả độc. Vào đầu thế kỷ 20, có nhiều người Mỹ vẫn coi cà chua là loại quả dại, thậm chí ở tiểu bang New Jersey còn ban hành luật cấm trồng cà chua và cấm coi đó như một thứ thức ăn. Tới năm 1930, luật này mới được bãi bỏ.
Sự thật là trong cà chua xanh có chất solanin - một ancaloit tương đối độc (trong mầm khoai tây có rất nhiều chất này). Khi cà chua thật chín thì không còn solanin. Có thể người xưa đã bị ngộ độc do ăn cà chua xanh hoặc chưa chín hẳn nên đã lên án cà chua trong một thời gian dài. Vì vậy, bạn chỉ nên ăn cà chua khi chúng đã chín hẳn, không chỉ để ngon miệng và còn để bảo đảm an toàn.
3. Dưa cải muối xanh
Dưa cải muối là món ăn yêu thích của nhiều người. Tuy nhiên, không nên vội vàng mà ăn dưa cải khi còn xanh. Loại dưa cải muối này hương vị không chỉ kém hấp dẫn mà còn tiềm ẩn những nguy cơ gây hại cho sức khoẻ.
Dưa cải muối còn xanh tức là thời gian muối dưa quá ngắn, môi trường muối dưa chưa đủ độ axit để kìm hãn những vi khuẩn có hại phát triển. Do đó, nếu ăn vào lúc dưa chưa chua, vàng sẽ có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ. Đặc biệt, trong dưa cải muối, hàm lượng nitrit trong những ngày đầu sẽ rất cao, sau đó mới giảm dần và mất hẳn khi dưa đã vàng. Khi cơ thể hấp thụ nhiều nitrit tác động vào các axit amin từ các thực phẩm khác như thịt, cá để tạo thành hợp chất nitrosamin. Đây là một chất có khả năng gây ung thư trên động vật thí nghiệm. Vì thế, tốt nhất, hãy tránh xa những thực phẩm này để đảm bảo sức khoẻ.
Tác giả: Vũ Thêm
-
5 món được mệnh danh là 'bẩn nhất' trong các nhà hàng
-
Sự khác biệt giữa trẻ ăn đồ ngọt và không ăn đồ ngọt: Ảnh hưởng sức khỏe và tâm lý
-
4 sai lầm khi uống mật ong: Chuyên gia chia sẻ thời điểm uống có lợi cho sức khỏe
-
8 thực phẩm đắng ngắt nhưng là mỏ vàng chất bổ, giúp giải độc, ngừa bệnh
-
Nghiện cà phê tới mấy thấy 4 dấu hiệu này cũng nên dừng lại: Chuyên gia chia sẻ khung giờ uống cà phê tốt