Cây đinh lăng là loại cây trồng quen thuộc đối với nhiều gia đình. Loại cây này được ví tốt như nhân sâm. Không chỉ dùng để trang trí mà cây đinh lăng còn có giá trị dược liệu, đặc biệt là phần rễ.
Tác dụng của cây đinh lăng
Cây đinh lăng còn được gọi là nam dương sâm, cây gỏi cá. Dân gian thường dùng lá đinh lăng phơi khô để làm gối hoặc trải giường nằm cho trẻ nhỏ với mục đích đề phong kinh giật.
Ngoài ra, phụ nữ sau sinh uống nước lá đinh lăng có thể giúp cơ thể khỏe mạnh, kích thích tiết sữa. Lá đinh lăng non có thể dùng để ăn sống.
Rễ cây đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát. Phần rễ này có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết. Rễ đinh lăng có thể dùng ở dạng thuốc sắc, ngâm rượu hoặc sấy khô tán bột để trị các chứng như ho, tắc tia sữa, giúp lợi sữa...
Phần rễ cây đinh lăng thường được thu hoạch vào mùa thu - đông và người ta sẽ chỉ thu hoạch rễ của những cây được trồng từ 3 năm trở lên. Với những cây này, phần rễ sẽ mềm, chứa nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe.
Phần rễ sau khi thu hoạch thì đem rửa sạch, cắt bỏ phần rễ sát gốc thân. Rễ to thì tách lấy phần vỏ và chỉ dùng vỏ, rễ nhỏ thì có thể dùng tất cả.
Rễ đinh lăng sau khi làm sạch thì thái lát mỏng, phơi ở nơi khô ráo, thoáng gió cho khô.
Khi sử dụng có thể dùng rễ đinh lăng khô hoặc tẩm rượu gừng 5% rồi sao qua, tẩm thêm mật ong và sao thơm.
Một số bài thuốc từ rễ đinh lăng
- 8-16g rễ đinh lăng thái nhỏ, sao vàng đem sắc cùng với 400ml nước. Nước cạn còn 100ml là được. Dùng nước này thay các loại trà, tốt cho phụ nữ sau sinh, chống đau dạ con, giúp kích thích tiết sữa.
- 5-10 gram rễ đinh lăng đã sao tẩm ngâm trong cốc nước sôi và dùng như trà.
- 100 gram đinh lăng khô không sao tẩm, đem ngâm với 1 lít rượu 30-35 độ. Sau 7-10 ngày là có thể sử dụng. Thỉnh thoảng lắc đều. Mỗi lần dùng 5-10ml trước khi ăn và chỉ nên dùng 2 lần/ngày.
- 100 gram rễ đinh lăng, 100 gram hà thủ ô, 100 gram thục địa, 100 gram hoàng tinh, 20 gram tam thất, tất cả đem tán nhỏ, rây bột sắc uống, mỗi ngày 100 gram dùng cho những người bị thiếu máu.
- 30 gram rễ đinh lăng tươi, 10 gram lá hoặc vỏ chanh, 10 gram vỏ quyết, 20 gram rễ sài hồ, 20 gram lá tre, 30 gram cam thảo dây, 30 gram rau má, 20 gram chua me đất, thái nhỏ tất cả các nguyên rồi cho vào nồi, đổ ngập nước và sắc lấy nước cốt (khoảng 250ml), chia nước sắc này làm 3 lần uống trong ngày. Nước này có tác dụng trị sốt lâu ngày, nhức đầu, háo khát, đau tức ngực, nước tiểu vàng.
Người không nên dùng đinh lăng
Cây đinh lăng mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không nên dùng tùy tiện. Mặc dù đinh lăng có tác dụng lợi sữa nhưng phụ nữ có thai và đang cho con bú nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Người đang mắc bệnh gan hoặc đang dùng thuốc điều trị bên cũng cần cân nhắc và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng đinh lăng để không làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.
Tác giả: Thanh Huyền
-
Tập 5 động tác yoga đơn giản nhất giúp giảm huyết áp cao
-
7 dấu hiệu cho thấy gan đang nhiễm độc, cần được thải độc gấp
-
5 loại quả rất ngọt nhưng lại giúp hạ đường huyết và dưỡng thận cực tốt, lúc nào cũng sẵn ở chợ
-
Uống bia suốt 1 tuần - Điều gì xảy ra với cơ thể bạn?
-
Ăn 2 loại trái cây có tính kiềm trước khi đi ngủ, sạch gan, thải độc hiệu quả