Tay chân miệng ở Hà Nội tăng gấp đôi: Đa số trẻ t.ử v.ong do cha mẹ chủ quan điều trị tại nhà

( PHUNUTODAY ) - Hiện nay dịch tay chân miệng đang tăng gấp đôi ở khu vực Hà Nội - đặc biệt, tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, số ca mắc bệnh tay chân miệng gia tăng cũng khiến người dân lo ngại về nguy cơ lây lan, bùng phát các chùm dịch trong khu vực.

Hiện nay dịch tay chân miệng đang bùng phát tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, khiến cho người dân vô cùng lo ngại. Đặc biệt, tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, số ca mắc bệnh tay chân miệng gia tăng cũng khiến người dân lo ngại về nguy cơ lây lan, bùng phát các chùm dịch trong khu vực.

Tay chân miệng ở Hà Nội tăng gấp đôi

Lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, số ca tay chân miệng từ đầu năm đến nay là hơn 1.600 ca, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, trung bình mỗi tuần có thêm 30-50 ca mắc mới.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 770 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có nhiều ca biến chứng nặng vào tim, phổi, não, riêng biến chứng viêm não chiếm 15-20%, trong khi mọi năm tỉ lệ này dưới 5%. Hiện tại, có 12 trẻ đang nằm điều trị tại khoa Truyền nhiễm.

Tại BV Việt Nam - Cuba, TS Nguyễn Thị Anh Xuân, Trưởng khoa Nhi cho biết, cách đây 1 tháng, trung bình mỗi ngày khoa chỉ tiếp nhận 3-4 tre mắc tay chân miệng, nhưng con số hiện tại đã tăng hơn 2 lần, từ 8-10 ca.

Nếu tính chung cả nước, từ đầu năm đến nay đã có gần 54.000 trường hợp mắc tay chân miệng, 6 trường hợp thiệt mạng tại các tỉnh phía nam.

Những con số trên cho thấy, bệnh tay chân miệng đang có nguy cơ bùng phát mạnh. Điều này đòi hỏi các bậc phụ huynh có con nhỏ cần bình tĩnh, trang bị cho mình khối lượng kiến thức về bệnh vừa đủ để có thể phân biệt được bệnh tay chân miệng với các bệnh khác từ sớm để con được điều trị sớm, hạn chế những biến chứng xấu.

Do trẻ mắc tay chân miệng đông nên dùng cả căng tin làm nơi chưa bệnh

Theo BS Dư Tấn Quy, Khoa Nhiễm- Thần kinh, BV Nhi đồng 1, hiện khoa này đang điều trị cho 180 trẻ bị tay chân miệng. "Những ca trẻ nhập viện do tay chân miệng thời điểm này chủ yếu là độ 2A, 12 trẻ đang nằm tại khoa cấp cứu độ 2B, một số chuyển qua độ 3.

Cũng có vài trẻ ở giai đoạn độ 4 và đang được hồi sức", BS Quy thông tin.Vì số bệnh nhi nhập viện do tay chân miệng không ngừng gia tăng, thậm chí có giai đoạn quá tải, Ban giám đốc BV Nhi đồng 1 TPHCM đã quyết định trưng dụng khu vực căn tin làm phòng bệnh cho các bệnh nhi.

Đa số trẻ tử vong do chủ quan điều trị tại nhà

Theo thống kê từ đầu năm đến nay đã có 6 trẻ em tại khu vực phía Nam tử vong do bệnh TCM, điều này hiện đang làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng. Về vấn đề này, ông Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho rằng, so với cùng kỳ năm 2015-2017 chỉ ghi nhận 0-4 trường hợp tử vong thì năm nay đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong.

“Đa số các bệnh nhân TCM tử vong trong năm nay không đến ngay cơ sở y tế khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh mà tự điều trị tại nhà (khám phòng khám tư nhân hoặc tự mua thuốc uống), khi trẻ có dấu hiệu chuyển bệnh nặng mới đưa đến các bệnh viện”- ông Lân nói.

Do đó, người dân không nên chủ quan trước bệnh TCM. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh như sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, các phụ huynh cần liên lạc với cơ sở y tế để được tư vấn và xử lý kịp thời.

Tác giả: Ngọc Lê