Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ cúng gì cũng không được quy định rõ. Đặc trưng của Tết Đoan Ngọ chính là hướng về cội nguồn, về cộng đồng nên ông cha ta thường làm mâm cơm canh, bánh trái, chè xôi, trà rượu dâng cúng ông bà tổ tiên, thổ thần, đất đai viên trạch để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cây lành trái ngọt, nhà nhà yên vui.
Tùy theo quan niệm của từng vùng mà lựa chọn các món sản vật dâng cúng ông bà, tổ tiên ngày Tết Đoan Ngọ khác nhau. Tuy nhiên phải đảm bảo đủ các lễ vật chính như:
- Trầu cau, hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp.
- Các loại hoa quả gồm các loại quả mùa hè như mận, hồng xiêm, dưa hấu, vải, chuối... Tuy nhiên mận và vải là hai loại quả không thể thiếu trong mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ.
- Xôi, chè, bánh ú tro (còn gọi là bánh tro hay bánh gio).
Ngày Tết Đoan Ngọ, người dân cũng thường mua lá xông để đuổi những điều kém may mắn khỏi người. Thông thường một bó lá xông bao gồm nhiều loại lá khác nhau như ngải cứu, ngũ trảo, khuynh diệp, liễu đỏ…
Cúng Tết Đoan Ngọ vào giờ nào?
Ở nước ta, Tết Đoan Ngọ được coi trọng, xếp vào hàng thứ hai sau Tết Nguyên Đán. Theo tục lệ từ xưa, người dân thường cúng vào sáng sớm nhưng thực chất Tết Đoan Ngọ được tiến hành vào giờ chính Ngọ (12h trưa) ngày 5/5 Âm lịch. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11h tới 13h.
Tuy nhiên, theo sự thay đổi của cuộc sống hiện đại, nhiều phong tục cũng đã được tinh giản đi và việc cúng Tết Đoan Ngọ đúng ngày giờ cũng không còn quá quan trọng. Thường các gia đình có thể sắp xếp khoảng thời gian cúng bái cho phù hợp với sinh hoạt của mình.
Cách trừ sâu bọ trong ngày Tết Đoan Ngọ
Ở Việt Nam ta, ngày này mỗi nơi có các hoạt động văn hóa và món ăn đặc trưng. Người Mường vùng Mường Khương có món đặc sản bánh khúc truyền thống rất ngon.
Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp ngon, rau khúc (một chi của họ hoa Cúc), đậu xanh, hạt vừng (mè) rang. Gạo ngâm kỹ, xay nhuyễn cùng rau khúc rồi nhào thành bột, làm thành bánh có bỏ nhân đậu xanh trộn vừng rang. Bánh được hấp hoặc rán.
Người miền Trung và miền Nam thì có món bánh ú lá tre hoặc bánh tro với nguyên liệu cũng là gạo nếp, đậu xanh và một vài thức khác.
Trong mùng 5 tháng 5, nhiều nơi có tục làm mâm cỗ cúng gia tiên; treo lá ngải cứu trước cửa nhà; làm túi ngũ sắc đeo cho trẻ em; lên rừng hái thuốc; khảo cây lấy quả (một người trèo lên cây, một người ở dưới dùng sống dao gõ vào thân cây hỏi lý do ít quả và đe dọa chặt cây nếu cây không sai quả, người trên cây sẽ hứa cho quả sai); hoặc có nơi làm thịt vịt, thịt ngan để mang về bên nhà mẹ, nhà vợ…
Người miền Bắc thường giết sâu bọ ngay khi thức dậy vào sáng sớm và giết sâu bọ bằng thức ăn, nhất là bằng rượu nếp, bánh tro và hoa quả…
Với trẻ em: sáng sớm ngủ dậy khi trẻ còn ở trên giường cho trẻ ăn hoa quả, ít rượu nếp, trứng luộc, bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để giết sâu bọ. Sau đó mới đi rửa mặt mũi, chân tay, đánh răng rửa mặt.
Với người lớn: sáng ngủ dậy không được đặt chân xuống đất mà phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc. Sau đó bước chân ra khỏi giường uống một ít rượu (hoặc ăn một bát rượu nếp) cho sâu bọ say, tiếp đó ăn trái cây cho sâu bọ chết.
Tác giả: Vũ Ngọc
-
Tết Đoan Ngọ 5/5: 6 kiêng kỵ tuyệt đối không phạm phải kẻo chiêu dụ tà khí, rước họa vào thân
-
Tết Đoan Ngọ 5/5 nên ăn gì để 'gi.ết sâu bọ' và gặp nhiều may mắn?
-
Ngày Tết Đoan Ngọ kiêng kỵ những điều này, cả năm may mắn, gia đạo bình an
-
Tết Đoan Ngọ 5/5 cúng gì, giờ nào, trong nhà hay ngoài trời mới đúng?
-
Văn cúng Tết Đoan ngọ 5/5 chuẩn theo phong tục cổ truyền Việt Nam