Thẻ Căn cước cấp từ 01/7/2024 có thể thay thế 7 loại giấy tờ quan trọng

( PHUNUTODAY ) - Thẻ Căn cước có thể thay thế cho các giấy tờ sau đây để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch khác sau khi đã được tích hợp thông tin:

Thẻ Căn cước cấp từ 01/7/2024 có thể dùng thay 7 loại giấy tờ

Theo Điều 20 Luật Căn cước, thẻ Căn cước có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ Căn cước của người được cấp thẻ để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam.

Người dân được tích hợp vào thẻ Căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp theo quy định tại Điều 22 Luật Căn cước.

Việc sử dụng thông tin đã được tích hợp vào thẻ Căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.

Như vậy, thẻ Căn cước có thể thay thế cho các giấy tờ sau đây để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch khác sau khi đã được tích hợp thông tin:

Thẻ bảo hiểm y tế

Sổ bảo hiểm xã hội

Giấy phép lái xe

Giấy khai sinh

Giấy chứng nhận kết hôn

Giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.

Cũng theo Điều 20 Luật Căn cước, trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau thì thẻ Căn cước được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh là hộ chiếu, giấy thông hành.

Tích hợp giấy tờ vào thẻ Căn cước như thế nào?

Theo Điều 22 Luật Căn cước, người dân có thể đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước bất cứ khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước tại cơ quan làm thủ tục cấp thẻ Căn cước:

- Cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố nơi công dân cư trú.

- Hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân cư trú.

Cán bộ công an xác thực thông tin mà người dân yêu cầu tích hợp thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đồng thời, bổ sung các thông tin này vào bộ phận lưu trữ của thẻ Căn cước.

Khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công hay các giao dịch, thông tin từ các giấy tờ đã được tích hợp sẽ được truy xuất, khai thác bằng thiết bị chuyên dụng.

Tên thẻ Căn cước công dân đổi thành Căn cước từ ngày 01/7/2024

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước thay thế Luật Căn cước công dân 2014 từ ngày 01/7/2024.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội Lê Tấn Tới, việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số.

Do thay đổi tên gọi từ Luật Căn cước công dân thành luật Căn cước, để tương thích, thẻ Căn cước công dân cũng sẽ có tên gọi mới là thẻ Căn cước, dòng chữ "CĂN CƯỚC CÔNG DÂN" trên thẻ đổi thành "CĂN CƯỚC" theo Điều 18.

Tác giả: Vũ Ngọc