Tầm quan trọng của bữa sáng và năng lượng
Cơ thể gần như tiêu thụ hết năng lượng sau một đêm dài nghỉ ngơi. Để khởi động ngày mới với tinh thần minh mẫn, năng suất lao động và học tập tốt, mọi người không nên bỏ quên bữa ăn sáng.
Theo các nghiên cứu cho thấy, trung bình một người trưởng thành cần nạp từ 1800-2400Kcal mỗi ngày để đảm bảo đủ năng lượng hoạt động trong một ngày. Trong đó, bữa sáng chiếm khoảng 1/3 đến 1/4 tổng năng lượng (tương đương với 250-500Kcal/ngày).
Tuy nhiên, vì công việc bận rộn, nhiều người có thói quen bỏ bữa sáng rồi nạp năng lượng dồn vào bữa trưa và bữa tối. Điều này không chỉ làm hệ tiêu hóa bị rối loạn, mà còn khiến cơ thể không hấp thụ được hết chất dinh dưỡng, gây tích mỡ thừa, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch do lượng cholesterol tăng cao.
Bỏ bữa sáng gây hại tới mức nào?
Nhiều nghiên cứu cho thấy bỏ bữa sáng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và năng suất lao động, học tập. Dù vậy trên thực tế việc thay đổi thói quen này không hề dễ dàng. Bác sĩ khuyên tốt nhất nên tập thói quen dậy sớm hơn một chút để có thời gian chuẩn bị bữa sáng. Nếu thấy quá rườm rà, bạn có thể dùng điểm tâm tại các quán ăn song cần chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một sai lầm phổ biến ở một số phụ nữ muốn giảm cân nên bỏ qua bữa sáng gây tác hại nghiêm trọng đến dạ dày cũng như giảm hiệu quả lao động trong ngày. Nghiên cứu cho thấy bạn nên chú trọng bữa sáng, giảm ăn dần về chiều tối. Nếu không ăn sáng, bạn có xu hướng ăn nhiều vào các bữa tiếp theo, dễ gây tích lũy mỡ và cholesterol.
Sau bữa ăn sáng, bạn thường phải làm việc, học hành sẽ tiêu hao năng lượng. Ngược lại sau bữa tối bạn nghỉ ngơi hoặc ngồi một chỗ dẫn đến dễ tích lũy mỡ thừa. Nghiên cứu cho thấy một bữa ăn sáng nghiêm túc rất cần thiết, đặc biệt quan trọng với người muốn giảm cân.
Xây dựng thực đơn dinh dưỡng cho bữa sáng rất đơn giản. Nếu bạn muốn tự tay thực hiện, nên chuẩn bị các nguyên liệu vào buổi tối và chế biến nhanh vào sáng hôm sau. Lưu ý bữa ăn sáng phải được coi là một trong ba bữa ăn chính trong ngày, do đó cần có đầy đủ các chất dinh dưỡng với tỷ lệ cân đối, bao gồm các nhóm: bột đường (cơm, bún, bánh mì, bánh cuốn, phở, hủ tíu), chất đạm (thịt, trứng, sữa, cá, đậu), chất béo (dầu, mỡ, bơ), vitamin, khoáng chất và chất xơ (rau, trái cây).
Về khối lượng: Bữa ăn sáng phải cung cấp cho cơ thể từ 1/4 đến 1/3 nhu cầu về năng lượng, protein, vitamin và khoáng chất của một ngày. Chế độ ăn này đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng dàn trải suốt cả ngày thay vì dồn cả “gánh nặng” lên bữa trưa và tối.
Ăn sáng ngay khi vừa thức dậy
Sau một đêm dài chìm sâu trong giấc ngủ thì một phần nhỏ thức ăn bữa tối vẫn còn lưu lại trong cơ thể nên sau khi thức dậy cơ quan tiêu hóa vẫn cần thêm chút thời gian để xử lý hết lượng thức ăn còn dư đó. Vì thế, nếu vừa thức dậy mà bạn ăn sáng ngay thì lượng thức ăn bữa sáng sẽ bị dồn ứ lại, cơ quan tiêu hóa làm việc không kịp nên dễ dẫn đến tình trạng đầy hơi, khó tiêu, ảnh hưởng xấu đến dạ dày cũng như cản trở quá trình hấp thu dinh dưỡng của cơ thể.
Tốt nhất là bạn nên uống một cốc nước lọc ngay khi thức dậy để kích thích lại hệ tiêu hóa cũng như thanh lọc cơ thể .15 - 20 phút sau thì bạn mới nên ăn sáng.
Chỉ ăn trái cây vào bữa sáng
Nhiều bạn gái ngày nay do nhu cầu giảm cân và làm đẹp nên có thói quen chỉ nhấm nháp một ít trái cây thay cho bữa sáng. Tuy nhiên, biện pháp này lại không được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích. Vì trái cây có rất ít lượng protein và calo cần thiết để tạo ra năng lượng duy trì hoạt động hàng ngày. Đặc biệt nếu ăn phải những loại trái cây không thích hợp trong lúc bụng đói như hồng, cam quýt, cà chua, chuối,...sẽ gây hại rất nhiều cho dạ dày và hệ tiêu hóa.
Tác giả: Ngọc Lê