Hiện nay, Bộ Y tế đã đồng ý đưa 2 loại vắc xin ngừa Covid-19 vào tiêm phòng cho trẻ nhỏ, gồm: vắc xin Pfizer (cho trẻ từ 5-11 tuổi) và vắc xin Moderna (cho nhóm từ 6-11 tuổi).
Theo VietNamNet đưa tin, tại Hội nghị tập huấn tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi do Bộ Y tế tổ chức chiều 31/3, TS. BS. Lê Kiến Ngãi (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã đưa ra hướng dẫn cụ thể về trường hợp trẻ cần thận trọng khi tiêm, trường hợp cần trì hoãn và trường hợp chống chỉ định. Cụ thể:
Nhóm trẻ chống chỉ định
Là nhóm có tiền sự phản vệ với vắc xin Covid-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc xin. TS Ngãi cho biết: "Cần nghiên cứu kỹ các thành phần của vắc xin để nếu phát hiện trẻ có tiền sử phản vệ với bất cứ thành phần nào thì phải xếp vào nhóm chống chỉ định tiêm".
Nhóm trẻ cần trì hoàn tiêm chủng
Là các trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển hoặc các vấn đề khác phải trì hoãn. Chuyên gia cho biết, trẻ có bệnh mạn tính hoặc bệnh cấp tính tiến triển như đang sốt, đang nhiễm trùng; đang trong dợt điều trị bệnh mạn tính như hóa trị... thì cần hoãn cho tới khi kết thúc tình trạng bệnh cấp tính/mạn tính hoặc kết thúc đợt điều trị bệnh mạn tính.
Ngoài ra, TS Ngãi cho biết Hội đồng tư vấn đồng thuận đưa ra khuyến cáo, trẻ từng là F0 cần trì hoãn tiêm trong thời gian 3 tháng kể từ ngày phát bệnh. Tuy nhiên, tùy vào tình huống cụ thể, các đơn vị tiêm chủng có thể xem xét hoàn cảnh của từng cá nhân, so sánh lợi ích của việc tiêm và không tiêm. Trên cơ sở đó, các đơn vị tiêm chủng có thể quyết định xem trẻ có cần tiêm sớm hơn thời điểm 3 tháng này hay không. Tất nhiên, việc tiêm phòng cho trẻ phải có sự đồng thuận của cha mẹ hoặc người chăm sóc.
TS Ngãi lấy ví dụ: Trường hợp trẻ mắc Covid-19 không có triệu chứng, các biểu hiện lâm sàng hoàn toàn bình thường trong khi đó tình hình lây nhiễm trong cộng đồng đang diễn ra ở mức độ cao, phức tạp thì kể cả trẻ chưa khỏi đủ 3 tháng cũng có thể xem xét, cân nhắc việc tiêm sớm hơn.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây có nhiều trẻ mắc hội chứng viêm đa cơ quan MIS-C sau khi mắc Covid-19. Đây là tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc cơ quan tiêu hóa.
Về trường hợp này, Hội đồng tư vấn khuyến cáo trẻ có tình trạng viêm đa cơ quan hậu Covid-19 cần được thăm khám và theo dõi tại cơ sở khám chữa bệnh để chắc chắn không còn biểu hiện lâm sàng; các bộ phận đều phục hồi hoàn toàn rồi mới tiêm vắc xin.
Trường hợp trẻ gặp hội chứng MIS-C đã hồi phục nhưng vẫn còn biểu hiện ở các cơ quan (chẳng hạn như vẫn có tình trạng liên quan tới tim), cha mẹ cần đưa con đến các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên để thăm dò, xét nghiệm đầy đủ. Sau đó, nếu quyết định tiêm phòng cho trẻ thì việc này cần được tiến hành tại bệnh viện để dảm bảo an toàn.
Nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng
Là nhóm trẻ có tiền sử dị ứng với bất cứ dị nguyên nào; trẻ bị rối loạn về tri giác, gặp hội chứng tâm lý đám đông, tăng động, giảm chú ý....
Những đối tượng phải khám, sàng lọc, tiêm tại bệnh viện từ tuyến huyện trở lên
Trẻ từng mắc hội chứng MIS-C, trẻ mắc bệnh bẩm sinh mạn tính, trẻ khám sàng lọc thấy tim phổi bất thường hoặc khai thác thấy trẻ có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào (thức ăn, thuốc...).
Tác giả: Thanh Huyền
-
5 thực phẩm tăng cường đề kháng cho trẻ F0: Vừa đào thải virus nhanh, vừa phòng ngừa biến chứng
-
Trẻ F0 khò khè, ho nhiều đờm có cần dùng thuốc: Bác sĩ chỉ 4 cách xử lý an toàn
-
Con là F0: Chuyên gia dinh dưỡng chỉ 2 món phải bổ sung, 1 thứ cần tránh nhưng cha mẹ nào cũng tưởng tốt
-
4 loại cháo giảm triệu chứng ho, sốt, tăng đề kháng cho F0 tại nhà: Nhà nào có trẻ F0 càng nên ăn
-
BS nhi khoa chỉ 3 sai lầm hạ sốt khiến trẻ F0 bệnh càng nặng: Số 1 có thể gây suy gan, khó cứu