Sắp tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi, bé từng là F0 có nên tiêm không: Chuyên gia trả lời

( PHUNUTODAY ) - Trong bối cảnh chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-12 tuổi, đã có nhiều phụ huynh băn khoăn và lo lắng, rằng con họ từng là F0 thì có cần tiêm không.

Tại sao trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi cần tiêm vắc xin Covid-19?

Theo GS. TS Phan Trọng Lân (Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế) cho hay: Trẻ ở nhóm này nếu tiêm thì khi nhiễm sẽ có ít triệu chứng và nhẹ hơn so với người lớn.

‘Khi nhiễm Covid-19 thì dù ở lứa tuổi nào cũng có các biểu hiện từ không triệu chứng đến có triệu chứng rồi cả nhập viện nặng và mất. Với trẻ em, qua theo dõi thì cũng có các trường hợp với biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả hậu Covid-19, rồi di chứng cấp tính. Thậm chí, có những trường hợp còn bị viêm đa hệ, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả cơ quan khác. Việc tiêm vắc xin không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm sự lây nhiễm’, ông nói.

Gs. Phan Trọng Lân cũng thông tin: Hiện nay, biến chủng Omicron khiến việc lây lan nhiều hơn, đặc biệt ở trẻ chưa tiêm chủng.

Còn PGS. TS Trần Minh Điển (GĐ BV Nhi TƯ) khuyến: Phụ huynh nên đồng ý cho con cái tiêm chủng. Vì trong xu hướng tới đây, WHO rất mong muốn chúng ta phủ rộng vắc xin hơn nữa ở nhóm tuổi thấp hơn nếu như có nghiên cứu của nhà sản xuất đưa ra các vắc xin cho nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Lý do là vì đây thực sự là nhóm trẻ yếu thế khi mà hệ miễn dịch chưa đầy đủ. Hơn nữa, biến chủng mới cũng chưa xác định rõ là như thế nào.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng (GĐ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM) bày tỏ quan điểm: Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi là việc cần thiết. Nó mang tới nhiều lợi ích để bảo vệ trẻ hơn là tác hại.

Tiêm vắc xin cho trẻ là xu hướng toàn cầu. Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh: Trẻ nếu không được tiêm chủng sẽ trở thành đối tượng yếu nhất, dễ bị nhiễm nhất. Việc chủng ngừa cho trẻ cũng là để cộng đồng trường học và xã hội an toàn hơn nhiều.

Ngoài ra, chuyên gia cũng nêu lên thực trạng hiện nay rằng không ít bé nhiễm Covid-19, sau khi khỏi rồi vẫn còn gặp nhiều vấn đề về tâm sinh lý lâu dài. Do đó, tiêm chủng cho trẻ là điều cần thiết.

2

Vậy nếu trẻ từng nhiễm Covid-19 rồi thì có nên tiêm không?

PGS. TS Điền cho rằng: Việc mắc Covid-19 chính là đưa virus tự nhiên vào cơ thể. Khi đó, cơ thể sẽ phản ứng để tạo ra các kháng thể nhằm chống lại Covid-19 trong một khoảng thời gian nhất định.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Cũng tương tự như sau 3 mũi tiêm phòng Covid-19 thì khoảng thời gian lưu trữ được kháng thể để chống lại Covid-19 dài nhất là 6 – 9 tháng. Vì thế, sau khi trẻ khỏi được 3 tháng trở lên thì có thể cho trẻ đi tiêm. Việc này nhằm bổ sung nồng độ kháng thể trong cơ thể trẻ để phòng Covid-19.

PGS. Điền cũng nhắc nhở: Hiện tại, hiệu quả của vắc xin phòng Covid-19 được đánh giá rất tốt trong việc giảm ca nặng và mất.

Theo TS. Đặng Thanh Huyền (Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia) chia sẻ: Hướng dẫn từ WHO và Bộ Y tế thì các trường hợp đã nhiễm Covid-19 khi hết thời gian cách ly có thể thực hiện tiêm phòng. Song, các gia đình có thể để trẻ có thời gian phục hồi sức khỏe rồi mới tiêm chủng để tăng đáp ứng với vắc xin.

Để giúp trẻ thoải mái hơn khi tiêm chủng, cha mẹ nên trao đổi với trẻ trước khi đi tiêm, cho bé ăn uống đầy đủ, thực hiện 5K tại điểm tiêm.

Sau khi tiêm, cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để được theo dõi, nếu có phản ứng nghiêm trọng thì sớm phát hiện và xử lý. Khi về nhà thì cần tiếp tục theo dõi trong 28 ngày tiếp theo, đặc biệt là 48 giờ đầu.

PGS. Điền khẳng định vắc xin phòng Covid-19 không gây ảnh hưởng đến di truyền hay hệ sinh sản của trẻ. Do đó, cha mẹ có thể yên tâm.

Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link