Người có bệnh nền phát hiện "2 vạch" cần bình tĩnh
Chia sẻ trên báo Người Lao động, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Cố vấn khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho biết, hiện nay F0 có triệu chứng nhẹ nhưng phải nhập viện vì bệnh vì bệnh nền chiếm tỷ lệ lớn. Vì vậy, kiểm soát bệnh nền trong làn sóng Omicron là điều vô cùng quan trọng để người bệnh vượt qua giai đoạn F0.
Theo bác sĩ, lời khuyên dành cho những người có bệnh nền là dù già hay trẻ, khi đã mắc Covid-19 thì nên bình tĩnh và báo với y tế địa phương. Người có bệnh nền hay không thì đến thời điểm hiện tại hầu như đã được tiêm đủ mũi vắc xin ngừa Covid-19. Sau khi được bác sĩ đánh giá sức khỏe, người có bệnh nền thường được cấp thuốc kháng virus Molnupiravir. Khi được cấp thuốc, người bệnh nên uống và không nên sợ ảnh hưởng đến bệnh nền. Theo bác sĩ Khanh, người càng có bệnh nền càng nên uống thuốc này để vì nó giúp giảm nguy cơ nhập viện.
Về quá trình sử dụng thuốc kháng virus, bác sĩ Khanh cho biết thông thường, trong khoảng 3 liều đầu (1,5 ngày đầu), người bệnh sẽ bị "hành" vì thuốc kháng virus là vậy, ai cũng gặp phải tình trạng như thế chứ không riêng những người có bệnh nền. Sau đó, khi cơ thể quen thuốc và dung nạp tốt, người bệnh sẽ không còn bị "hành" như vậy nữa. Bác sĩ cho biết, "bị hành" ở đây cũng chỉ là cảm giác đầy bụng, hơi biếng ăn.
Bên cạnh đó, F0 có sẵn bệnh trong người vẫn cần duy trì nghiêm ngặt việc sử dụng thuốc điều trị bệnh nền bởi các thuốc này không có ảnh hưởng xấu đến bệnh Covid-19 cũng như không tạo ra các tương tác bất lợi với Molnupiravir. Trường hợp người bệnh tự ý ngưng thuốc điều trị bệnh nền thì bệnh nền lẫn Covid-19 đều có nguy cơ khiến người bệnh trở nặng và dễ nhập viện.
F0 có triệu chứng lạ có thể do bệnh nền hoặc mắc thêm bệnh khác
Bác sĩ Khanh cho biết, triệu chứng của người mắc biến chủng Omicron thường giống cảm cúm, là những triệu chứng bệnh hô hấp thông thường. Vì vậy, nếu người bệnh thấy các biểu hiện khác lạ, nhất là giống với những lần bệnh nền "trỗi dậy" thì nên đi khám ngay. Bác sĩ nhấn mạnh rằng người bệnh không nên chờ "1 vạch" mới đi khám bệnh nền.
Ngoài ra, có trường hợp "mắc 2 bệnh cùng lúc", tức là vừa mắc Covid-19 vừa mắc thêm một bệnh khác. Thực tế là đã có trường hợp trẻ nhỏ vừa là F0 vừa mắc sốt xuất huyết.
Theo bác sĩ, người mắc Omicron có thể bị sốt nhưng rất mau hết, chỉ trong khoảng 36 giờ đầu, dù sốt rất cao. Trường hợp gặp triệu chứng sốt cao khó hạ trên 2 ngày thì nên đề phòng khả năng mắc bệnh khác. Những người đã hết sốt mấy ngày, cơ thể dần khỏe lại nhưng tự nhiên lại cốt cao cũng nên cẩn trọng. Lúc này, người bệnh nên đi khám bởi bệnh khác có khi mới là bệnh nguy hiểm. Người đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 khi mắc Omicron thường rất nhẹ; trẻ nhỏ cũng bị nhẹ dù chưa tiêm phòng.
Khi vừa là F0 vừa bị bệnh nền "hành" hay mắc thêm bệnh khác, người bệnh chắc chắn sẽ mệt hơn. Vì vậy, ngoài việc tiêm đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19, một trong những điều quan trọng giúp F0 vượt qua thời kỳ bệnh tật này một cách nhẹ nhàng là kiểm soát bệnh nền, tái khám đúng lịch.
Theo bác sĩ Khanh, với trẻ nhỏ, cha mẹ nên cho con tiêm đủ các mũi vắc xin cơ bản và thực hiện các biện pháp phòng sốt xuất huyết tại nhà. Ngoài ra, hiện tại đang là thời điểm trẻ có nguy cơ mắc tay chân miệng cao. Bệnh này có thể phòng ngừa bằng cách rửa tay. Vì vậy, nếu phòng ngừa Covid-19 tốt thì cũng có thể phòng ngừa được cả bệnh tay chân miệng cho trẻ.