Hà Nội: Hướng dẫn kiểm tra đánh giá kết quả học kỳ I khối trung học

( PHUNUTODAY ) - Mới đây Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường trên địa bàn xây dựng hướng kiểm đánh giá kết quả học kỳ I.

Không kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu cần đạt

Sở GDĐT Hà Nội vừa mới ra văn bản số 4251 gửi trưởng phòng GDĐT quận, huyện, thị xã; hiệu trưởng các trường trung học trên địa bàn các nội dung hướng dẫn công tác kiểm tra đánh giá và sơ kết học kỳ I - năm học 2021- 2022.

Trong văn bản của Sở GDĐT nêu cụ thể về phương thức ôn tập, hình thức kiểm tra của từng khối lớp thuộc bậc trung học. Đặc biệt, nhấn mạnh hình thức kiểm tra trực tiếp với khối 9, 12 và cách thức kiểm tra các môn tích hợp khối 6.

Sở GDĐT Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh. Các trường sẽ bổ sung những nội dung kiến thức còn thiếu kết hợp với việc ôn tập, củng cố nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng bị hạn chế điều kiện học trực tuyến; thực hiện đánh giá học sinh trung học theo các Thông tư của Bộ GDĐT.

Trên yêu cầu của SGDT các trường học sẽ dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá trực tiếp, trực tuyến phù hợp với kế hoạch dạy học thực tiễn của đơn vị; việc kiểm tra, đánh giá trực tiếp, trực tuyến đảm bảo đúng theo các quy định về kiểm tra, đánh giá của Bộ GDĐT.

Đặc biệt, Sở cũng lưu ý không kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình; không kiểm tra, đánh giá định kỳ đối với những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu; bài thực hành, thí nghiệm. 

Sở GDĐT lưu ý, đối với các đơn vị tổ chức kiểm tra, đánh giá trực tiếp (lớp 9, lớp 12) phải thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế về kiểm tra, đánh giá của bộ, sở và các quy định phòng chống dịch Covid-19.

Nên ra đề mở để học sinh có cơ hội được bộc lộ chính kiến

Với học sinh lớp 6 - đây chính là năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có các môn tích hợp và cũng là năm đầu triển khai đánh giá kết quả rèn luyện, học tập theo Thông tư 22 nên công tác kiểm tra, đánh giá có những điểm khác biệt so với mọi năm.

Cụ thể, với môn Khoa học tự nhiên, nội dung dạy học được tích hợp các chủ đề Vật lí, Hóa học và Sinh học; do vậy bài kiểm tra, đánh giá định kỳ gồm nội dung của các chủ đề đã thực hiện, bảo đảm tỷ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Với các môn về xã hội như: Lịch sử và Địa lí bao gồm 2 phân môn Lịch sử và Địa lí, mỗi phân môn chọn 2 điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong một học kỳ; bài kiểm tra, đánh giá định kỳ gồm nội dung của 2 phân môn theo tỷ lệ tương đương về nội dung dạy học tính đến thời điểm kiểm tra, đánh  giá... 

Sở GDĐT yêu cầu các trường thực hiện có hiệu quả các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá, đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ.

Đối với các môn học, hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét, khuyến khích thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học, hoạt động giáo dục trong bối cảnh học trực tuyến.

Riêng đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, các trường học nên ra đề mở để học sinh có cơ hội được bộc lộ chính kiến về những vấn đề thời sự của quê hương, đất nước. Đặc biệt, các trường nên đưa hình thức kiểm tra sẽ được các đơn vị xây dựng phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đảm bảo đúng quy định.

Tác giả: Min Min