Nhiều bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, trở nặng chỉ từ 6-12 tiếng: "Nguy cơ tử vong nếu không xử lý kịp thời"

( PHUNUTODAY ) - Diễn tiến của người bệnh rất nhanh chỉ trong khoảng thời gian từ 6 - 12 tiếng, từ tình trạng bình thường đã trở nặng với biểu hiện suy hô hấp cấp.

Tin tức Covid-19 sáng 15/7, tính từ 18h30 ngày 14/7 đến 6h ngày 15/7, TP.HCM vẫn nhiều nhất với 603 ca nhiễm Covid-19. Như vậy, tại đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM ghi nhận 19.405 ca nhiễm Covid-19; 31 ca tử vong được Bộ Y tế công bố.

Trong 603 ca nhiễm ghi nhận tại TP.HCM thì có 547 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 56 ca đang điều tra dịch tễ.

BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh - đơn vị đang chịu trách nhiệm chính về mặt chuyên môn ở Bệnh viện Dã chiến thu dung Điều trị Covid-19 số 3 (lô R6, Khu tái định cư 38,4 ha phường An Khánh, TP Thủ Đức), tại bệnh viện này có khoảng 3% đến 5% các trường hợp mắc Covid-19 không có triệu chứng, bất ngờ diễn tiến tăng nặng.

Tại Bệnh viện Dã chiến thu dung Điều trị Covid-19 số 3 (lô R6, Khu tái định cư 38,4 ha phường An Khánh, TP Thủ Đức) có khoảng 3% đến 5% các trường hợp mắc Covid-19 không có triệu chứng, bất ngờ trở nặng.

Với quy mô 3.000 giường từ khi đi vào hoạt động (ngày 7/7) đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 2.000 bệnh nhân, các bước thu dung, điều trị được thực hiện chặt chẽ.

Nhiệm vụ chính của bệnh viện là thu dung, điều trị các trường hợp từ không có biểu hiện bệnh lý đến có biểu hiện nhẹ. Thực tế từ khi tiếp nhận bệnh đến nay đã có nhiều bệnh nhân nhập viện chuyển từ không triệu chứng sang có triệu chứng và trở nặng.

Sau khi được theo dõi, điều trị triệu chứng, cho thở oxy, khoảng 30 trường hợp trong số các ca diễn tiến nặng đã chuyển lên tuyến trên điều trị chuyên môn sâu.

BS Trần Văn Khanh nhấn mạnh: "Diễn tiến của người bệnh rất nhanh chỉ trong khoảng thời gian từ 6 - 12 tiếng, từ tình trạng bình thường đã trở nặng với biểu hiện dễ nhận biết nhất là suy hô hấp cấp. Đây là thách thức lớn về mặt chuyên môn đối với công tác theo dõi, điều trị cho bệnh nhân. Nếu không có nguồn nhân lực y tế, không xử lý kịp thời, bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ tử vong".

Tương tự, ở Bệnh viện thu dung điều trị Covid-19 số , TS.BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện cho biết bệnh viện này cũng tiếp nhận hơn 3.000 bệnh nhân và số ca mắc Covid-19 từ không có biểu hiện triệu chứng bất ngờ diễn tiến nặng khá nhiều.

Từ thực tế trên, BS Trần Văn Khanh cho rằng, các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân nhẹ cũng cần phải được trang bị sẵn máy thở với đầy đủ oxy, có máy X-quang, siêu âm để chủ động các phương án chẩn đoán, điều trị cho người bệnh. Ngoài ra, cần chuẩn bị sẵn sàng xe cứu thương và đẩy nhanh sự phối hợp giữa bệnh viện dã chiến và các đơn vị điều trị đảm bảo nhanh, kịp thời để bệnh nhân có diễn tiến nặng được tiếp nhận, điều trị nhanh nhất.

TP.HCM cũng đã triển khai nâng cấp hệ thống điều trị Covid-19 từ mô hình tháp 3 tầng lên 4 tầng trong bối cảnh thành phố vẫn đang là tâm dịch của cả nước với số ca mắc mỗi ngày ở mức cao, vào khoảng 1.000 ca những ngày gần đây.

TP.HCM triển khai nâng cấp hệ thống điều trị Covid-19 từ mô hình tháp 3 tầng lên 4 tầng (Ảnh: Zing)

Nhiều ca mắc ở TP.HCM xảy ra trong cộng đồng nhưng không rõ nguồn gốc. Số ca mắc tại thành phố trong giai đoạn này chiếm hơn 40% tổng số ca nhiễm của Việt Nam.

Tầng 1 gồm 30.000 giường điều trị sẽ theo dõi F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tầng 2 chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng, với 2.500 giường.

Tầng 3 với 3.000 giường được dành để điều trị F0 có bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm nặng, nguy kịch. Tầng 4 dành cho bệnh nhân nặng, nguy kịch với 1.200 giường hồi sức.

Trong một diễn biến liên quan tới tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, UBND TP.HCM đã có văn bản 2337 yêu cầu các doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu an toàn phòng dịch Covid-19 chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất; các lĩnh vực khác được phép hoạt động và tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng dịch.

Theo đó, TP.HCM cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất đối với các doanh nghiệp đảm bảo một trong hai trường hợp. Thứ nhất là doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ” gồm: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ.

Ngoài ra, doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”, đó là chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở như: ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung.Các doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động thực hiện xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần đối với công nhân, chi phí xét nghiệm do doanh nghiệp tự chi trả. Nếu doanh nghiệp không đảm bảo yêu cầu thì phải dừng hoạt động.

Đến nay Việt Nam ghi nhận tổng cộng 38.239 bệnh nhân. Hơn 4,1 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 đã được tiêm chủng.

Tác giả: Vũ Ngọc