Mới đây, bé gái 8 tuổi ở Hóc Môn, TP.HCM được người nhà đưa tới Bệnh viện Nhi đồng 1 thăm khám trong tình trạng lơ mơ, la hét.
Theo gia đình bệnh nhi, do đạt được thành tích tốt trong quá trình học tập, bé được thưởng chuyến đi chơi xa. Do say xe, nhưng không muốn uống thuốc nên bố mẹ mua miếng dán chống say xe, dán hai bên mang tai cho bé. Trở về sau chuyến đi chơi, bé gái có dấu hiệu mất nhận thức, rối loạn tri giác khiến bố mẹ hết sức lo lắng.
Tại BV Nhi Đồng 1 sau khi xác định tình trạng bệnh nhi, bác sĩ điều trị đã cho nhập viện để tiến hành theo dõi kèm sử dụng thuốc hỗ trợ. Rất may sau 3 ngày, tình trạng của cháu bé đã cải thiện và được xuất viện ngay sau đó.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi Đồng 1 cho hay, đơn vị cũng thường xuyên tiếp nhận những ca trẻ gặp biến chứng khi sử dụng miếng dán chống say xe. Đặc biệt trong dịp hè, khi trẻ được bố mẹ cho đi chơi xa thì số lượng trẻ nhập viện nhiều hơn.
Việc cha mẹ cho con sử dụng miếng dán chống say xe khi đi tàu xe mà thiếu hiểu biết có một phần trách nhiệm của người bán trong việc hướng dẫn phụ huynh trước khi sử dụng. Bởi loại miếng dán này có chỉ định không dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Thậm chí người lớn nếu hay gặp dị ứng cũng có thể lãnh hậu quả khi sử dụng loại miếng dán này. Nếu nhập viện khi miếng dán đã tháo ra, bác sĩ điều trị nếu không tìm hiểu rõ bệnh cảnh có thể nhầm lẫn những triệu chứng của trẻ là do viêm não gây ra.
Những tác dụng phụ thường gặp ở trẻ là hoảng loạn, gặp ác mộng, chóng mặt, mất phương hướng, tim đập nhanh, rối loạn tâm thần, nói sảng. Điều trị có thể khỏi nhưng không nên vì sẽ ảnh hưởng đến thần kinh của trẻ. Nếu lạm dụng quá mức, trẻ cũng có thể hôn mê dẫn đến ngưng thở.
Được biết, loại miếng dán say tàu xe khá phổ biến và rất dễ mua, có giá dao động từ 15.000 – 25.000 đồng. Theo tìm hiểu, miếng dán chống nôn tác dụng xuyên qua có chứa scopolamin. Loại thuốc này ngoài chống nôn mửa còn có tác dụng chống co thắt cơ, nhưng lại có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn như làm khô miệng, táo bón, nhức đầu, rối loạn điều tiết mắt cũng như ảnh hưởng đến thần kinh.
Muốn cho trẻ tránh say, cha mẹ không nên cho trẻ ăn quá no trước khi lên xe, nhưng cũng không nên để trẻ đói. Khi lên xe không nhắc chuyện say xe, ngồi chỗ tránh gió lùa, cho bé sinh hoạt như bình thường để quên đi chuyện nôn ói, hay cũng có thể dùng gừng xoa hai bên mang tai trẻ.
Trường hợp bất đắc dĩ mới cho trẻ dùng thuốc hoặc miếng dán chống say tàu xe. Tuy nhiên cần đọc kỹ các hướng dẫn, và chỉ nên cho trẻ trên 12 tuổi dùng.
Một mùa hè - mùa du lịch nữa lại đến, để cả gia đình có được một chuyến đi chơi vui vẻ và an toàn, các bà mẹ nên một lần nữa lưu ý không tự tiện cho con uống hay dán các loại thuốc chống say tàu xe mà chưa có sự tư vấn của bác sỹ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.
Trước đó, trên facebook của chị Thanh Nhàn Nguyễn (Hải Dương) đã từng chia sẻ câu chuyện mà chính con gái chị là nạn nhân do sự bất cẩn của bố mẹ khi sử dụng miếng dán chống say xe cho con.
Theo chị Thanh Nhàn thì hôm đó gia đình chị có việc về quê nên chồng chị đã ra hiệu thuốc mua 1 miếng dán chống say xe để dán cho con gái 6 tuổi. Chị không hề biết rằng miếng dán này chống chỉ đinh cho bé dưới 8 tuổi và các trẻ em từ 8-15 tuổi cũng chỉ được dùng 1/2 miếng.
Hậu quả là con gái chị đã bị ảo giác, rối loạn thần kinh và có những hành động vô thức vô cùng nguy hiểm. May mắn là sau một đêm, sức khỏe bé đã dần ổn định trở lại. Khi chia sẻ câu chuyện này, chị Thanh Nhàn hy vọng sẽ cung cấp thêm cho các bậc cha mẹ một kinh nghiệm "xương máu" trong việc chăm sóc con.
Tác giả: Vũ Hồng Loan
-
Choáng váng với cảnh tượng bẩn như bãi rác trong ký túc xá nữ
-
Kinh hoàng: Đập lún sọ đồng nghiệp vì nghi nói xấu sau lưng
-
Tin phụ nữ 31/7: Bị phạt 5 triệu đồng vì phao tin "sờ ngực từ thiện"
-
Bộ Công an: Trịnh Xuân Thanh vừa ra đầu thú sau gần một năm trốn truy nã
-
Cụ ông nhiễm HIV dâm ô bé gái 11 tuổi: Công an xã khuyên 2 gia đình hòa giải!