Củ đinh lăng (thực chất là phần rễ của cây nhưng được nhiều người gọi là củ) được coi là một dược liệu quý. Theo Đông y, rễ đinh lăng tính bình, vị ngọt, tác dụng giải độc, bổ ngũ tạng, bổ huyết, tiêu thực, tiêu sưng, tăng tiết sữa mẹ. Ngoài ra, nó còn được dùng trong các trường hợp cần tăng cường thể lực, điều trị suy nhược cơ thể, tiêu hóa kém.
Danh y Hải Thượng Lãn Ông còn ví đinh lăng là "nhân sâm của người nghèo" do đây là dược liệu có tác dụng tốt đối với cơ thể nhưng dễ tìm, dễ trồng.
Củ đinh lăng có giá trị tốt như vậy nhưng không phải ai cũng biết cây trồng bao lâu thì có thể thu hoạch và củ đinh lăng bao nhiêu năm tuổi là nhiều dược chất nhất, tốt nhất?
Trồng đinh lăng bao lâu thì có thể thu hoạch phần củ? Củ đinh lăng bao nhiêu năm tuổi là tốt nhất?
Về tốc độ sinh trưởng của cây đinh lăng, khi mới trồng, cây sẽ phát triển khá chậm. Sau năm đầu tiên, cây bắt đầu lớn nhanh hơn. Cây đinh lăng trên 3 năm tuổi mới bắt đầu có dược tính. Từ thời điểm này, người ta có thể thu hoạch phần củ đinh lăng để làm dược liệu. Tuy nhiên, ở thời điểm 3 năm, rễ cây mới phát triển nên dược tính sẽ chưa cao.
Củ đinh lăng từ 5 đến 10 năm tuổi được đánh giá là có dược tính cao nhất. Khi đó, phần củ sẽ hội tụ đủ các chất dinh dưỡng và mang lại nhiều lợi ích nhất. Trong khoảng thời gian này, trọng lượng của một bộ rễ đinh lăng có thể rơi vào khoảng 3-5kg tùy thuộc vào loại đất trồng.
Sau khoảng thời gian này, dược chất trong củ đinh lăng sẽ không tăng lên. Khi đó, chỉ có phần lõi của rễ phát triển nhưng phần này được đánh giá là không có dược tính.
Ngoài ra, khi trồng quá lâu, phần rễ cây cũng sẽ bị lão hóa và dần chuyển thành xơ gỗ. Lúc này, dược tính của củ đinh lăng sẽ giảm đi. Do đó, củ đinh lăng trồng lâu chưa chắc đã có tác dụng trị bệnh tốt bằng các loại thu hoạch đúng thời điểm.
Trên thực tế, nhiều người chuộng loại rễ đinh lăng trên 10 năm tuổi. Chúng khá hiếm, ít nguồn cung nên giá thành cũng cao. Các củ đinh lăng già thường có hình thức ấn tượng, trông đẹp mắt. Người có điều kiện thường mua những củ đinh lăng lâu năm về để trưng bày.
Nếu muốn sử dụng củ đinh lăng với mục đích làm thuốc, bồi bổ cơ thể thì nên lựa những củ nằm trong độ tuổi có nhiều dược chất là tốt nhất.
Cách trồng cây đinh lăng
Đinh lăng là loại cây dễ trồng, không kén đất. Tuy nhiên, để cây phát triển tốt, bạn nên lựa loại đất có độ pH từ 6-7. Đất trồng cây nên có độ tơi xốp, khả năng thoát nước tốt để tránh cây bị úng.
Để tăng dinh dưỡng cho đất giúp cây phát triển nhanh hơn, khỏe hơn, bạn có thể trộn đát với phân chuồng hoai mục, phân vi sinh trước khi trồng cây.
Nếu có ý định trồng cây trong chậu thì nên lựa chậu có kích thước phù hợp và có lỗ thoát nước.
Cây đinh lăng không khó trồng. Bạn có thể chọn cách giâm cành hoặc mua cây con ở các cửa hàng cây cảnh để trồng.
Cây đinh lăng cần được tưới nước thường xuyên nhưng không quá nhiều để duy trì độ ẩm của đất, tránh tình trạng đọng nước. Tùy theo điều kiện thời tiết mà bạn có thể điều chỉnh lượng nước tưới cho phù hợp, ví dụ khi trời nắng nóng thì tăng lượng nước tưới, khi trời lạnh, trời mưa thì giảm lượng nước tưới...
Nên trồng cây đinh lăng ở nơi có ánh sáng để cây phát triển tốt nhất.
Cứ 4-6 tháng nên cắt tỉa cây một lần để loại bỏ bớt các cành héo, cành hỏng.
1-2 tháng có thể bón thêm phân chuồng hoai mục, phân vi sinh hoặc phân NPK vào đất để cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây.
Sau khoảng 1-2 năm, bạn có thể thu hoạch phần lá để làm rau gia vị hoặc sử dụng như một loại dược liệu.
Phần củ thì nên chờ sau khi cây trồng được trên 3 năm mới thu hoạch.
Sau khi thu hoạch củ, có thể giữ lại những cành khỏe để tiếp tục nhân giống và trồng vụ mới.
Tác giả: Thanh Huyền
-
Hoa và quả của cây đinh lăng có công dụng gì?
-
Cây lưỡi hổ hút tài lộc, cực hợp với người thuộc 2 mệnh này
-
2 mệnh hợp trồng cây đinh lăng nhất, có một cây trong nhà chẳng lo thiếu tiền tiêu
-
Cây Đinh Lăng thu tài hút tài lộc đừng trồng linh tinh: Đây là vị trí tốt nhất giúp gia chủ phát tài
-
Trong nhà trồng cây đinh lăng là tốt hay xấu? Ý nghĩa phong thủy của cây đinh lăng, nhiều người chưa biết