Trong triều đại nhà Thanh, tại sao không có ai đồng ý cưới cung nữ? Lý do quá thực tế

( PHUNUTODAY ) - Thời nhà Thanh, rất nhiều người đều không muốn lấy những cung nữ được thả xuất cung, tại sao lại vậy? Dưới đây là một số lý do.

Cung nữ là tầng lớp thấp nhất ở trong hậu cung. Có một vài cung nữ nghèo khổ cả đời, từ tóc xanh sống tới tóc bạc cũng chẳng được gặp hoàng đế đến một lần. Tuy vậy, khi họ được thả ra khỏi cung cũng lại chẳng ai dám lấy. Tại sao, trong triều đại nhà Thanh, không có ai đồng ý cưới cung nữ?

Trong triều đại nhà Thanh, không có ai đồng ý cưới cung nữ

Trong thời cổ đại Trung Quốc, thân làm hoàng đế chí tôn có được cả giang sơn, hậu cung 3000 giai lệ cũng chỉ có một mình hoàng đế hưởng thụ. Phụ nữ trong cung không phải ai cũng có may mắn được hoàng đế ân sủng. Thế nên, có một vài cung nữ nghèo khổ cả đời, từ tóc xanh sống tới tóc bạc cũng chẳng được gặp hoàng đế đến một lần.

Để tránh tình trạng như thế, các hoàng đế đời sau hàng năm đều cho các cung nữ đến tuổi nhất định xuất cung gả chồng. Tuy nhiên, cho dù những cung nữ này được thả ra ngoài thì cuối cùng cũng vẫn phải sống một cuộc sống cô độc cho tới già. Đặc biệt là thời nhà Thanh, rất nhiều người đều không muốn lấy những cung nữ được thả xuất cung, tại sao lại vậy? Dưới đây là một số lý do.

+ Cung nữ xuất cung có tuổi tác quá cao so với tuổi kết hôn thời xưa

Tú nữ một khi được tuyển chọn vào trong cung, ngoài những người được lọt vào mắt xanh của hoàng đế trở thành phi tần ra thì những tú nữ khác đều bị đưa đi làm cung nữ. Trong những năm Khang Hi tại vị, cung nữ đủ 30 tuổi sẽ được xuất cung, còn tới thời Ung Chính, cung nữ 25 tuổi sẽ được phép xuất cung. Trong khi đó, trong thời cổ đại, những cô gái ở trước độ tuổi cập kê 15 đã phải có hôn phối rồi, thường thì ở khoảng 12-14 đã xuất giá. Đợi cho tới khi những cung nữ này được thả ra thì đã 30 rồi, ở độ tuổi bình thường người ta đã lên bà.

+ Cung nữ xuất cung có tâm lý kén chọn

Những cung nữ này hầu hạ trong cung nhiều năm, họ đã thấy đủ sự phú quý của hoàng gia, cũng từng gặp nhiều vị vương tử hoàng tôn, thấy được sự nghiêm nghị của các thị vệ, quen với áo gấm cơm ngọc trong cung. Sau khi được thả xuất xung, ít ai còn lọt được vào trong mắt của họ.

Nhưng những vương công quý tộc có thể lọt được vào mắt họ kia thì làm gì có ai không thuộc dòng long phượng. Muốn được kết duyên với những người này thì cũng đâu có tới lượt những cung nữ già 30. Hơn nữa, những chàng trai ưu tú này cũng chẳng có ai hơn 30 tuổi mà chưa kết hôn cả. Thế nên, những cung nữ này cao không tới, thấp không chịu nên càng khó gả chồng.

+ Nguyên nhân về sức khỏe

Sống trong môi trường đầy rẫy hung hiểm trong thời gian dài, họ có thể sống sót được đã là may mắn lắm rồi. Cho dù có thể sống tới ngày được thả ra khỏi cung, vậy thì đa số sức khỏe đã suy yếu, mang nhiều bệnh tật. Vốn dĩ đã là một “gái già ế chồng”, đã mất đi ưu thế tuyệt đối về tuổi tác, nay lại thêm vào sức khỏe không tốt, vậy thì ai còn muốn lấy một người như thế làm vợ? Trong thời cổ đại chưa nói đến việc họ chưa xuất giá, hơn nữa cho dù là những người đã gả chồng, chỉ cần cơ thể họ mắc bệnh thì nhà chồng vẫn sẽ lấy đó làm lý do bỏ vợ.

+ Vấn đề sinh sản

Trong thời cổ đại, do tuổi thọ con người khá thấp nên những người phụ nữ ở độ tuổi 30, muốn sinh đẻ cũng là một vấn đề khó khăn. Hơn nữa, họ phải sống trong tâm lý căng thẳng, làm việc lao lực trong thời gian dài, cơ thể đã mắc nhiều bệnh, sinh đẻ lại càng khó khăn hơn. Đặc biệt, thời cổ đại Trung Quốc, mọi người cực kỳ coi trọng con cái, có thể nói con cái chính là hi vọng và sự tiếp nối của cả dòng tộc. Thế nên cho dù họ có gả được cho nhà nào thì nếu không sinh con được thì cũng sẽ bị đuổi ra khỏi nhà.

+ Vấn đề thuần phong mỹ tục

Con người là động vật mang tính xã hội, là người thì sẽ có thất tình lục dục. Ai cũng biết, thái giám không có khả năng sinh dục bình thường của đàn ông nhưng cũng còn hơn không có, thế nên trong cung có hai loại người cùng số phận đi hầu hạ người khác bắt đầu an ủi, sưởi ấm lòng nhau. Thậm chí có những cung nữ và thái giám còn kết thành vợ chồng. Nhưng, đối diện với một người phụ nữ từng qua lại với thái giám mà trong xã hội phong kiến còn yêu cầu khắt khe với phụ nữ như vậy, khó ai có thể chịu đựng được mà lấy một người phá hủy thuần phong mỹ tục như thế về làm vợ. Có lẽ, đây chính là số mạng của họ, giây phút khi họ bước vào ngưỡng cửa hoàng cung thì đã định sẵn số phận của họ. Đây cũng là nỗi bi ai của nữ tử trong thời đại lúc bấy giờ.

Tác giả: Vũ Thêm