Đặt mâm ngũ quả trên bàn thờ dịp Rằm tháng Giêng thuận theo 5 sắc màu tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: Giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên; hay quy luật đất trời theo ngũ hành: 5 màu của quả tượng trưng cho Kim (màu trắng), Mộc (màu xanh), Thủy (màu đen), Hỏa (màu đỏ), Thổ (màu vàng).
Loại quả nên dâng cúng để lộc lá ùa về
- Quả táo: Trong phong thủy, quả táo tượng trưng cho sự yên bình và hòa hợp. Loại quả này cũng được ưa chuộng vì màu đỏ của nó mang ý nghĩa tốt lành.
- Quả dứa: Dứa đã trở thành một biểu tượng phong thủy cho sự giàu có và may mắn.
- Quả cam: Cam là một trong những loại quả được các gia đình ưa chuộng nhất khi cúng ban thờ. Ngoài ý nghĩa về phong thủy, cam được coi là gửi gắm lời nguyện cầu về may mắn, thành công. Hơn nữa, cam cũng để được lâu trên bàn thờ và có mùi rất thơm.
- Quả chuối: Chuối trong phong thủy mang ý “thu hút”. Vì vậy, nó cũng hay được dùng để thờ cúng.
- Quả xoài: Tượng trưng cho cuộc sống sung túc.
Khi cúng Rằm tháng Giêng, đừng bao giờ chọn những loại quả này kẻo mọi việc khó lòng hanh thông như ý: hoa quả nhựa làm giả, loại trái cây đã chín kỹ, những trái cây có gai nhọn, loại quả có mùi quá thơm nồng, những quả mọc sát đất...
Những loại hoa nên sử dụng để cúng lễ trong ngày rằm tháng Giêng
Một trong những lễ vật không thể thiếu trên bàn thờ cúng rằm tháng Giêng là hoa tươi. Một số loại hoa gia chủ có thể chọn gồm hoa huệ, hoa dơn, hoa loa kèn, hoa ly, hoa cúc (không sử dụng hoa cúc để thắp hương phật, thánh)...
- Hoa cúc vàng tượng trưng cho sự trường thọ, đặt trên bàn thờ dâng cúng thần linh và tổ tiên để thể hiện sự hiếu thảo với ông bà tổ tiên và cầu bình an cho gia đình.
- Hoa phong lan tượng trưng cho sự tài khí, giàu sang, phúc quý, mang đến nhiều may mắn nên được nhiều gia đình chọn để đặt lên ban thờ với mong muốn nhận được sự may mắn trong năm mới.
- Hoa đồng tiền tượng trưng cho sự tài lộc, thịnh vượng, sức khỏe và tuổi thọ vì vậy đây cũng là loài hoa được nhiều gia đình lựa chọn để đặt lên bàn thờ vào Tết nguyên Tiêu.
Theo lịch vạn niên, cúng Rằm tháng Giêng 2024 có các khung giờ tốt như sau:
Ngày chính Rằm (15/1 âm lịch, tức 24/2/2024 dương lịch), khung giờ tốt gồm: Ất Mão (5h-7h), Mậu Ngọ (11h-13h), Canh Thân (15h-17h), Tân Dậu (17h-19h).
Ngày 14/1 âm lịch, tức ngày 23/2/2024 dương lịch, khung giờ tốt gồm: Giáp Thìn (7h-9h), Bính Ngọ (11h-13h), Đinh Mùi (13h-15h), Canh Tuất (19h-21h).
Ngoài việc thành tâm cúng bái, vào ngày Rằm tháng Giêng, nhiều người có thói quen đi lễ chùa, cầu bình an và may mắn cho các thành viên trong gia đình.
(Bài viết chỉ mang tính tham khảo, chiêm nghiệm)