Uống nước lá tía tô có giúp làm giảm tác dụng phụ sau tiêm vắc xin phòng Covid-19? Nghe BS giải thích

( PHUNUTODAY ) - Nhiều người vẫn truyền tai nhau nên uống nước lá tía tô trước và sau tiêm phòng vắc xin Covid-19 để giúp làm giảm sốt và giảm tác dụng phụ của tiêm phòng. Liệu điều này có đúng?

Cây tía tô có chứa các chất gì?

Tía tô chứa 0,3 - 0,5% tinh dầu (theo trọng lượng khô), citral 20%. Thành phần tinh dầu chủ yếu là perillaldehyd, L-perrilla alcohol, limonen, α-pinen, hydrocumin, còn có elsholtziaceton, β-cargophylen, bergamoten và linalool perillaldehyd.

Hạt chứa nước 6,3%, protein 23,12%, dầu béo 45,07%, nitơ 10,28%, acid nicotinic 3,98 mg/100g.

Thành phần dầu béo của hạt gồm acid béo chưa no 3,5 - 7,6%, oleic 3,9 - 13,8%, linoleic 33,6 - 59,4%, acid linolenic 23,3 - 49% (một số mẫu dầu còn chứa trên 70% acid linolenic).

Tía tô có vị cay, tính ấm quy kinh vào kinh phế, tỳ.

Công dụng của tía tô

Tía tô có tác dụng phát tán phong hàn, lý khí khoan hung; giải uất, hóa đờm, an thai, giải độc cua cá. Thông thường lá tía tô (tô diệp) có tác dụng cho ra mồ hôi, chữa ho, giúp cho quá trình tiêu hóa, giảm đau, giải độc, chữa cảm mạo.

Bên cạnh đóm tía tô còn có tác dụng chữa bị ngộ độc nôn mửa, đau bụng do ăn cua cá. Cành tía tô có tác dụng chữa ho, trừ đờm, hen suyễn, tê thấp.

Có nên uống nước lá tía tô trước và sau tiêm vắc xin phòng Covid-19?

Tía tô có tác dụng đối với việc tiêm phòng vắc xin Covid-19 không?

Sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19, người tiêm có thể gặp các phản ứng phụ như sốt cao, chóng mặt, khắp người đau nhức mệt mỏi và một số triệu chứng giống như cúm,… Vì vậy, nhiều người mách nhau uống nước tía tô trước và sau khi tiêm để làm giảm sốt và giảm các tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin.

Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết uống nước tía tô trước và sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 không có tác dụng gì đối với việc giảm sốt hay giảm các tác dụng phụ do vắc xin. Đến nay, chưa có bằng chứng khoa học về việc này.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân không nên uống nước lá tía tô hoặc dùng các bài thuốc dân gian khác để tránh việc không may có phản ứng phản vệ xảy ra. Khi đó bác sĩ sẽ khó xác định nguyên nhân. Trước khi đi tiêm, người dân nên chuẩn bị tâm lý thoải mái, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Theo dõi sức khỏe sau khi tiêm.

Nếu sốt cao trên 38,5 độ có thể dùng paracetamol hoặc các loại thuốc giảm đau, hạ sốt nhưng cần tuân thủ lượng thuốc được khuyến cáo. Nếu sốt liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt thì cần liên hệ ngay với cơ sở y tế.

Ngoài việc dùng thuốc, nếu đau hoặc sưng tại vị trí tiêm, có thể sử dụng khăn ướt sạch và mát để chườm. Để giảm bớt đau nhức hoặc cứng ở cánh tay, nên vận động cánh tay càng nhiều càng tốt. Nếu bị ớn lạnh và sốt nhẹ nên uống nhiều nước để tránh mất nước. Mặc quần áo nhẹ và thoáng mát. Sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định 5K để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tác giả: Trần Thu Thủy