Vì sao người dân phải đi đổi CCCD gắn chip ngay trong năm 2022?

( PHUNUTODAY ) - Từ 2022, người sử dụng CMND/CCCD hỏng, hết hạn sẽ bị phạt, bên cạnh đó còn rất nhiều giấy tờ cá nhân sẽ được tích hợp trong thẻ CCCD có gắn chíp.

Quy định phạt nếu sử dụng CMND/CCCD hỏng, hết hạn

Hiện nay, căn cước công dân (CCCD) gắn chip là loại giấy tờ nhân thân duy nhất được cấp thay thế khi người dân xin đổi, cấp lại CMND/CCCD mã vạch cũ đã hết hạn hoặc không còn giá trị sử dụng.

Cụ thể, căn cứ các quy định tại Điều 21, 23 Luật Căn cước công dân 2014, Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP, người sử dụng CMND, CCCD phải đi đổi sang CCCD gắn chip mới nếu thuộc một trong các trường hợp:

- Khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi đối với người sử dụng CCCD;

- CMND hết thời hạn sử dụng là 15 năm kể từ ngày cấp (hướng dẫn bởi Mục 2 Phần II Thông tư 04/1999/TT-BCA);

- CMND/CCCD bị hư hỏng không sử dụng được;

- Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhận dạng;

- Xác định lại giới tính, quê quán;

- Có sai sót về thông tin trên thẻ CCCD/CMND;

- Bị mất thẻ CCCD/CMND;

- Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.

Người sử dụng CMND/CCCD thuộc một trong các trường hợp trên đều sẽ phải đổi sang thẻ CCCD gắn chip. Nếu không đổi có thể sẽ bị phạt vì lý do không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD.

Theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức phạt áp dụng với các vi phạm trên là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.

Trước đây, khoản 1 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP chỉ có quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng nếu không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp mới, cấp lại, đổi chứng minh nhân dân.

Có thể thấy, mức phạt mới đối với hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD đã tăng gấp đôi so với thời điểm trước 2022.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM giải đáp câu hỏi người dân đang dùng CCCD mã vạch có cần đổi sang CCCD gắn chip hay không?

Ông Hà cho biết quy định pháp luật hiện hành không bắt buộc người dân phải đổi khi thời hạn sử dụng vẫn còn. Tuy nhiên, Công an TP.HCM khuyến cáo người dân nên đổi sang CCCD gắn chip vì 3 lý do:

Thứ nhất, CCCD gắn chip có tính năng ưu việt là tính bảo mật cao, tránh được giả mạo, thuận lợi cho giao dịch, ký hợp đồng quốc tế do có song ngữ Anh - Việt. Khi giao dịch với người có thẻ CCCD gắn chip sẽ yên tâm hơn, tránh được các trường hợp lừa đảo, giả mạo, dùng giấy tờ giả để vi phạm pháp luật.

Thứ 2, chỉ có CCCD gắn chip thì người dân mới tạo được tài khoản định danh điện tử, dễ dàng thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, tiết kiệm thời gian đi lại… mà CCCD mã vạch không thực hiện được. Mặt khác, trong thời gian tới, CCCD gắn chip ngày càng tích hợp được nhiều tính năng tiện ích như rút tiền, khám chữa bệnh…

Thứ 3, việc làm CCCD gắn chip chính là hành động giúp TP.HCM, ngành công an và Chính phủ hoàn thành đề án 06, xây dựng chính phủ số, xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, làm giàu dữ liệu cho các ngành...

“Làm CCCD gắn chip không chỉ có lợi cho bản thân mà còn giúp đỡ cho thành phố, cho đất nước”, ông Hà nói và khuyến nghị người dân đổi thẻ CMND và CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip. Mã số CCCD mã vạch hoặc gắn chip không thay đổi, đó cũng chính là mã số định danh cá nhân nên việc đổi CCCD không ảnh hưởng đến các giấy tờ khác.

Tác giả: Mộc