Ngày nay, rất nhiều người lao động (NLĐ) tự do rất vui vẻ khi tiền công lao động được trả toàn bộ mà không phải trích tiền đóng bảo hiểm xã hội. Nhưng khi không còn sức lao động nữa thu nhập bấp bênh, bệnh tật phát sinh nên người lao động tự do không có lương hưu, không có thẻ bảo hiểm y tế, lúc đó cuộc sống vô cùng khó khăn. Để tránh tình trạng bị động khi tuổi già, một số người lựa chọn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia bảo hiểm được quyền lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với tài chính của mình.
Theo khoản 1 Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hằng tháng người tham gia BHXH tự nguyện phải đóng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn. Trong đó, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng
Để khuyến khích người dân đóng bảo hiểm, nhà nước hỗ trợ một phần các đối tượng này trong việc đóng bảo hiểm. Cụ thể, theo Điều 14 và Điều 17 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, người tham gia BHXH tự nguyện còn được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH hàng tháng là 30% với người thuộc hộ nghèo, 25% với người thuộc hộ cận nghèo và 10% với các đối tượng còn lại.
Tuy nhiên, nếu bạn là cư dân trên địa bàn thành phố Hà Nội, mức hỗ trợ được tăng gấp đôi nhờ mức hỗ trợ thêm của thành phố. Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐND ngày 06/7/2022 quy định một số nội dung và mức chi thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân Thành phố.
Cụ thể, theo Phụ lục I Nghị quyết 03, Thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện cho một số đối tượng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng hằng tháng như sau:
- Hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo.
- Hỗ trợ thêm 25% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ cận nghèo.
- Hỗ trợ thêm 10% mức đóng BHXH tự nguyện đối với các đối tượng khác.
Thời gian thực hiện chính sách này từ 01/8/2022 đến hết ngày 31/12/2025.
Như vậy, người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hàng tháng như sau:
- Đối tượng thuộc hộ nghèo: 60% x 1.500.000 x 22% = 198.000 VNĐ
- Đối tượng thuộc hộ cận nghèo: 50% x 1.500.000 x 22% = 165.000 VNĐ
- Đối tượng thuộc khác: 20% x 1.500.000 x 22% = 66.000 VNĐ
Vì thế công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không nằm trong nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều nên tham gia BHXH tự nguyện. Và khi nào cần tham gia BHXH tự nguyện thì người lao động căn cứ theo đúng quy định nêu trên xem mình thuộc nhóm đối tượng nào để có thể đóng BHXH và hưởng mức hỗ trợ của Nhà nước và Thành phố.
Khi đóng BHXH tự nguyện, người dân được hưởng các chế độ hưu trí và tử tuất . Có thể thấy, so với chế độ BHXH bắt buộc, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng ít quyền lợi (không có chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động). Tuy nhiên, với những lợi ích to lớn mà loại hình bảo hiểm này đem lại thì mọi người vẫn nên tham gia BHXH tự nguyện, nếu không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.