Tại Sân bay Quốc tế Nội Bài (TP Hà Nội), ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế đã tiếp nhận lô vắc-xin Covid-19 Comirnaty của Pfizer/BioNtech gồm 97.110 liều. Được biết, đây là lô đầu tiên trong cam kết cung ứng 31 triệu liều vắc-xin của Pfizer/BioNtech cho Việt Nam trong năm 2021.
Vắc-xin Covid-19 Pfizer được phát triển từ đầu năm 2020 và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt, dựa trên các hồ sơ về tính an toàn và sinh miễn dịch của vắc-xin. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn khá băn khoăn không biết mình có thể tiêm loại vắc-xin này không.
Những ai có thể tiêm vắc-xin Pfizer?
Sau các lần thử nghiệm, vắc-xin Pfizer cho thấy an toàn và hiệu quả đối với những người có nhiều bệnh lý nền liên quan tới việc tăng nguy cơ mắc bệnh này. Vì vậy những người mắc bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, bệnh phổi, gan, thận hay bệnh truyền nhiễm mạn tính đã ổn định và được kiểm soát có thể tiêm.
Đối với những người bị suy giảm miễn dịch, người nhiễm HIV dương tính có thể tiêm chủng vắc-xin sau khi được cung cấp thông tin và tư vấn.
Người đã từng mắc Covid-19 cũng có thể tiêm phòng nhưng vì nguồn cung vắc-xin còn hạn chế nên có thể hoãn tiêm khoảng 6 tháng kể từ thời gian bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú vẫn có thể tiêm phòng như người trưởng thành khác. Hiệu quả của vắc-xin ở 2 nhóm đối tượng này là tương tự nhau và phụ nữ đang cho con bú nếu tiêm vắc-xin cũng không cần phải dừng cho con bú sữa mẹ.
Phụ nữ mang thai có nên tiêm phòng?
Theo như khuyến cáo của WHO thì phụ nữ mang thai nên tiêm vắc-xin Covid-19. Theo đó, WHO đánh giá lợi ích của việc tiêm chủng cho phụ nữ mang thai lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn.
Tuy nhiên, phụ nữ mang thai cần được cung cấp thông tin về nguy cơ mắc Covid-19 trong thời kỳ mang thai cũng như lợi ích của việc tiêm chủng trong bối cảnh dịch tễ của địa phương. WHO không khuyến cáo xét nghiệm chẩn đoán mang thai trước khi tiêm chủng. WHO không khuyến cáo trì hoãn việc mang thai hay đình chỉ thai nghén vì lý do tiêm phòng COVID-19.
Ai không nên tiêm vắc-xin Pfizer
Người có tiền sử dị ứng nặng với bất cứ thành phần nào của vắc-xin không nên dùng loại vắc-xin này.
Ngoài ra, không có số liệu về hiệu lực hay an toàn ở trẻ dưới 12 tuổi ở thời điểm hiện tại. Vì vậy trẻ dưới 12 tuổi không nên tiêm chủng thương quy loại vắc-xin này.
Trẻ vị thành niên có được tiêm vắc-xin không?
Thử nghiệm giai đoạn 3 ở trẻ 12 - 15 tuổi cho thấy vắc xin có hiệu lực cao và an toàn ở nhóm tuổi này. Vì vậy đã mở rộng chỉ định độ tuổi từ trên 16 thành trên 12 tuổi.
Số liệu thực tế cho thấy trẻ vị thành niên, đặc biệt là nhóm lớn tuổi hơn cũng có nguy cơ làm lây nhiễm SARS-CoV-2 như người trưởng thành. WHO khuyến cáo các nước cần cân nhắc việc sử dụng vắc xin ở trẻ 12 – 15 tuổi chỉ khi đạt được tỷ lệ cao tiêm chủng vắc xin đủ 2 liều ở các nhóm ưu tiên cao theo Lộ trình Ưu tiên của WHO.
Trẻ từ 12 đến 15 tuổi mắc các bệnh đi kèm khiến trẻ có nguy cơ cao hơn đáng kể mắc COVID-19 nặng, cùng với các nhóm nguy cơ cao khác, có thể cần được tiêm chủng.
Tác giả: Trần Thu Thủy
-
Xuất hiện chủng mới nguy hiểm hơn cả chủng Delta, nguy cơ đánh bại vắc xin
-
Sẽ ra sao khi người đã tiêm phòng mà vẫn nhiễm Covid-19: 5 điểm khác biệt hoàn toàn
-
Cảnh báo 4 dấu hiệu tình trạng "cục máu đông" sau khi tiêm phòng vắc xin Covid-19
-
Đừng ai bỏ mũi tiêm vắc xin nCoV thứ 2: Nghiên cứu nguy cơ qua đời ở người tiêm 1 mũi khác hẳn
-
3 việc cấm kỵ không được làm trước khi tiêm vắc xin Covid-19: Nếu đã lỡ cần báo ngay với bác sĩ