Tin trên Vnexpress, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Chile ở thành phố Santiago vào tuần trước cho biết, xuất hiện thêm biến chủng Lambda đang hoành hành tại Peru, Ecuador, Chile và Argentina.
"Dữ liệu của chúng tôi lần đầu tiên cho thấy những đột biến trong protein gai giúp biến chủng Lambda thoát khỏi các kháng thể trung hòa, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm", các nhà khoa học trên cho biết.
Các nhà khoa học đã phát hiện 7 đột biến bất thường ở gai protein của Lambda. Giới khoa học đặc biệt lo ngại với đột biến có tên gọi L452Q, tương tự đột biến L452R ở biến chủng Delta khiến biến chủng này dễ lây lan hơn nhiều so với các chủng khác.
Mặc dù, Chile là một trong những quốc gia tiêm chủng nhanh nhất thế giới, song số ca nhiễm biến chủng Lambda đã chiếm hơn 1/3.
Theo Jeff Barrett, giám đốc Sáng kiến Hệ gene học Covid-19 thuộc Viện Wellcome Sanger của Anh, cho biết lý do khiến việc nghiên cứu mối đe dọa từ Lambda gặp nhiều khó khăn là biến chủng này tập hợp "một loạt đột biến khá bất thường", nói thêm rằng ít nhất một trong số đó dường như giống với biến chủng Delta, khiến cả hai đều rất dễ lây nhiễm.
Biến chủng Lambda, hay còn có tên C.37, được cho là xuất hiện lần đầu tiên tại Peru vào tháng 8/2020, đang bị coi là nguyên nhân khiến quốc gia này báo cáo số người chết vì Covid-19 trên đầu người cao nhất thế giới. Biến chủng này chiếm tới 81% số ca nhiễm mới ở Peru từ tháng 4 tới nay.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học nói rằng, chưa có bằng chứng cho thấy Lambda có thể gây bệnh nặng hơn ở người mắc Covid-19 hay kháng vắc xin. "Hiện tại chưa có bằng chứng nào cho thấy Lambda nguy hiểm hơn các biến chủng khác. Nó có thể có mức độ lây nhiễm cao hơn nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm", Jairo Méndez Rico, một cố vấn về Covid-19 tại Tổ chức Y tế châu Mỹ (PAHO), cho biết.