Có nên để cho con cất tiền mừng tuổi?

( PHUNUTODAY ) - Con cái tuổi còn nhỏ thì giữ làm gì một số tiền lớn như vậy? Tiền cha mẹ cất đi cũng là để nuôi con. Nên việc con đưa lại lì xì cho cha mẹ là đương nhiên

tien-li-xi

"Nếu cha mẹ thu lại tiền lì xì, sao người lớn không tự lì xì nhau?"

Tiền lì xì đầu năm mới được đựng trong bao đỏ sặc sỡ là món quà cầu mong điều may mắn sẽ đến với người nhận được nó. Tuy nhiên, không ít bậc phụ huynh phải ngượng chín mặt vì bị con đòi trả tiền lì xì giữa bàn dân thiên hạ.

Chị D (39 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) kể mỗi năm tết đến, hai con, 5 và 16 tuổi, của anh chị, một doanh nhân thành đạt, đều được nhận những lì xì với số tiền rất lớn, có khi lên tới cả ngàn đô la Mỹ.

Cả hai cậu đều ý thức rất rõ tiền lì xì này là của mình. Và mỗi lần khách về là cả nhà lại náo loạn lên cũng chỉ vì khoản tiền đó.

“Cả hai đều ý thức được khoản tiền này có thể đáp ứng được một số nhu cầu cá nhân của chúng nên đều muốn giữ tiền lì xì. Trong khi đó, với số tiền lớn như vậy thì không một cha mẹ nào yên tâm để con mình tự tiêu xài. Vậy nên không một ngày tết nào yên ổn vì cả nhà tranh cãi số tiền lì xì thuộc về tay ai. Đã thế, khách lại còn đông nên một ngày cha mẹ con cái hục hặc nhau không biết bao lần”, chị D kể.

Cũng theo chị D, người chị 16 tuổi có còn lớn tiếng với mẹ là tiền lì xì của ai thì người đó được giữ. Nếu tiền lì xì mà cha mẹ thu lại hết của con thì “tại sao người lớn không trực tiếp lì xì cho nhau mà phải lì xì qua trẻ con rồi sau đó thu lại?”.

“Trong khi đó, người mẹ quát lại con là tiền người ta lì xì con thì mẹ cũng phải đi lì xì lại cho con họ chứ làm gì được dùng. Vả lại, tuổi còn nhỏ thì giữ làm gì một số tiền lớn như vậy? Tiền cha mẹ cất đi cũng là để nuôi con. Nên việc con đưa lại lì xì cho cha mẹ là đương nhiên. Rồi cứ thế, bài ca này tái diễn mỗi mùa xuân sang làm không khí gia đình căng thẳng”, chị D cho biết.

Anh Vũ Minh Quang (34 tuổi, ngụ Q.10) cho rằng đúng thật tiền lì xì cho các con thì là của các con, chẳng có vấn đề gì cả cho đến khi mệnh giá tiền dùng để lì xì lại càng ngày càng cao.

“Nhiều bao lì xì có mệnh giá trên 500 ngàn đồng được tặng cho những đứa trẻ còn chưa biết giá trị của đồng tiền và ý nghĩa thực sự của lì xì đầu năm. Chúng chỉ cần biết tiền có thể mua được những món đồ mà chúng muốn, trong đó có cả những món đồ mà chúng đòi thì cha mẹ cũng không mua cho với lý do “hết tiền”. Vậy nên, việc muốn giữ tiền lì xì lại càng được chúng ý thức rõ hơn”, anh Quang chia sẻ.

“Chính vì còn quá nhỏ để nhận thức sự việc, nhiều lúc khách đang đến nhà chúc tết, con cái cứ nhèo nhẹo đòi cha mẹ trả lại tiền lì xì, còn không thì vừa lì xì cái là bóc vỏ bao lì xì, lấy tiền ra cất đi hoặc cứ ngồi giữ khư khư tiền lì xì. Cha mẹ dù ngượng lắm cũng phải cười trừ cho qua chuyện. Cảnh dở khóc dở cười như vậy không phải hiếm”, anh Quang nhận định.

“Cơ hội vàng” để giáo dục con

Với trẻ 14-15 tuổi đã có ý thức rất rõ về giá trị của tiền bạc. Lúc này phụ huynh nên phân tích và cho con được quyền tự lựa chọn việc quản lý và sử dụng tiền mừng tuổi như thế nào. Nếu trẻ không muốn gửi bố mẹ thì nên hướng dẫn con cách gửi tiền tiết kiệm, cho con biết số tiền lãi khi đến kỳ, hỏi nguyện vọng của con trong năm và hướng dẫn cho con cách sử dụng tiền đúng mục đích.

Bà Nguyễn Lâm Thúy, Giám đốc Trung tâm tham vấn Gia đình & Trẻ em Vala

Theo bà Nguyễn Lâm Thúy – Giám đốc Trung tâm Tham vấn gia đình & trẻ em Vala, việc ứng xử với tiền mừng tuổi của con một cách đúng đắn là vô cùng cần thiết, đó chính là cơ hội “vàng” giúp phụ huynh dạy con những bài học về nhận thức, về sử dụng và quản lý tiền bạc. Bài học đầu tiền là giúp con nhận ra giá trị của đồng tiền. Trên thực tế, có những đồng tiền nên nhận, nhưng cũng có những đồng tiền không nên nhận. Bởi có người mừng tuổi với mục đích nhắm đến bố mẹ để cầu lợi...

Cũng theo bà Thúy, nhiều người nghĩ rằng vì con còn nhỏ, không nên cho trẻ ý thức về tiền bạc quá sớm. Thực tế, việc giáo dục này phải được đặt ra từ rất sớm, khi trẻ biết nhận thức những giá trị tốt xấu xung quanh mình. “Đồng tiền liền khúc ruột” nên càng cần phải cho con biết tới giá trị của nó và cách ứng xử với nó như thế nào. Không có bài học nào quý hơn bằng những bài học từ thực tiễn.

Bà Nguyễn Mai Hoa, Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống cho biết: Với một đứa trẻ tiểu học, có thể dạy trẻ những bài học lớn hơn như cho trẻ biết tiền mừng tuổi là của con nhưng con không nên giữ một số tiền trên 50.000 đồng. Nếu con cầm nhiều tiền ra đường có thể gặp nguy hiểm nên bố mẹ sẽ là người quản lý tiền giúp con, giống như việc bố mẹ gửi tiền cho ngân hàng.

Có thể cho con một cuốn sổ nhỏ để trẻ tự ghi số tiền mừng tuổi gửi bố mẹ, hướng dẫn con cách ghi những khoản chi dùng của con trong năm... Việc ghi chép này không những giúp trẻ biết nhận thức, quản lý, sử dụng đồng tiền mà còn giúp trẻ có được những kỹ năng ứng xử với tiền bạc, biết cách sử dụng tiền mang lại niềm vui và có ý nghĩa.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn