Hương Dung và nghệ thuật sống để mẹ chồng thích con dâu

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - “Mỗi lần nghe tin tôi ốm là mẹ chồng ở quê cứ hết đi ra lại đi vào, than thở rồi xót xa, sau đó là có ai lên Hà Nội bà gửi hết những gì ở quê có ra cho con dâu”- nghệ sĩ Hương Dung tâm sự.


Nghệ sĩ Hương Dung được khán giả yêu quý qua những vai diễn tính cách khá lạ, nặng ký như vai mẹ của Cao Thanh Lâm (phim Chạy án), bà Nguyệt (Chủ tịch tỉnh), bà Hồng Ngọc mẹ Minh Khang (Cầu vồng tình yêu)…   

Được mẹ chồng yêu mến và chiều từ ngày đầu mới gặp

Nghệ sĩ Hương Dung nhớ lại ngày xưa, chị là văn công của đoàn Nghệ thuật Quân khu 3, lên sân khấu cũng tưng bừng, xinh đẹp như ai nhưng khi về đến nhà chồng dù là lần đầu tiên chị vẫn lao vào bếp đun cơm bằng bếp rơm, theo mẹ chồng ra đồng cấy lúa khiến cả làng… tròn mắt.

 “Tôi đang thổi cơm mà nhìn ra thấy có những cặp mắt đang dòm qua vách liếp nhìn mình như… sinh vật lạ”. Tính chị vốn sống đơn giản, dù trên sân khấu là cô văn công thì ngoài đời cũng chỉ là một cô gái bình thường, cho nên việc nấu cơm, ra đồng không phải là cố gắng để thể hiện mà tính chị sẵn sàng làm những gì mình có thể. Chị cũng lớn lên từ chân đất, lam lũ thì việc vào bếp, ra đồng đâu có gì đặc biệt. Nhưng, cũng từ hành động đó mà mẹ chồng quý mến chị.

Bản thân nghệ sĩ Hương Dung rất ngưỡng mộ mẹ chồng, bà là mẫu hình phụ nữ hết lòng hy sinh vì con cái. Chồng mất từ khi còn trẻ, bà đã ở vậy nuôi các con thành người, cuộc sống đạm bạc nhưng gia tài lớn lao bà dành cho các con là sự tận tụy vì con

 Năm nay đã 91 tuổi nhưng bà vẫn trồng rau, nuôi ngan, nuôi gà tích từng quả trứng gà gửi lên cho các cháu… Hương Dung cũng đã ứng xử trọn vẹn với tình cảm của mẹ chồng, chị đi đâu có cái gì ngon cũng mua về cho bà. Trước khi bà về quê sống, chị và mẹ chồng đã có 18 năm chung sống dưới một mái nhà. Chừng ấy năm mà hai mẹ con chưa từng mâu thuẫn, chị được mẹ chồng chiều hết mực và luôn lo lắng giùm chị việc nhà để chị có thể yên tâm đi công tác xa.
NS Phương Dung
NS Phương Dung

Công việc diễn viên của Hương Dung phải đi nhiều, bao nhiêu chuyện lo lắng con cái là mẹ chồng chị đảm đương giúp hết, các con chị trưởng thành như hôm nay là có bàn tay dịu dàng, ân cần của mẹ chồng. Hương Dung biết ơn mẹ vì điều đó, nếu không có mẹ chồng chắc chị không thể vừa đảm việc nước, giỏi việc nhà như vậy. 18 năm sống chung nhưng chị và mẹ chồng luôn giữ được hòa khí êm ấm, thậm chí bà rất thích ở với con dâu và cũng không bao giờ phàn nàn chuyện chị đi công tác nhiều quá. Mẹ chiều chị lắm, chị đi làm về mẹ luôn hỏi có ăn cơm không mẹ đi lấy cơm cho.

Ngày xưa mẹ hay ủ cơm vào chăn để người về sau được ăn cơm nóng. Hễ mà chị kêu mệt, để lát sau con ăn thì lát sau mẹ lại bảo mẹ đi đun nóng cơm cho nhé… Hương Dung nói ở cùng mẹ chị sướng lắm, mẹ thương chị đi làm vất vả nên việc gì cũng muốn làm thay chị. Ngày các con còn nhỏ, đang ngồi ăn cơm mà em bé đi vệ sinh là bà giành lấy làm để chị vẫn được ngồi ăn cơm.

Sống với người già là cả một nghệ thuật

Mẹ chồng thương như thế nhưng Hương Dung biết, người già dù sao cũng có chỗ khó tính, phải khéo sống để giữ được tình cảm của mẹ. Tính chị thì đơn giản, sao cũng được và đặc biệt không chấp nhặt chuyện này, chuyện kia. Chính tính cách đấy lại là một trong những “bí quyết” để chị sống thoải mái với mẹ. Chị thường nghĩ, nên biết sống hiền hòa vì rồi sau này mình cũng là mẹ chồng, người con dâu có thoải mái thì mẹ chồng mới thoải mái được.

Sống ở ngoài xã hội, Hương Dung quan niệm đừng bao giờ chấp nhặt, chuyện to nên cho thành nhỏ, chuyện nhỏ thành không có, cần phải biết mở lòng thì mới lấy được tình cảm của người khác. Ngoài xã hội còn sống được như thế thì với mẹ chồng phải dễ chịu hơn thế nhiều lần.

Hương Dung lấy câu nói: “Trí tuệ giàu lên nhờ cái nó nhận được, con tim giàu lên nhờ cái nó cho đi” để làm phương ngôn sống cho mình, phải biết cho đi thì mới nhận được chứ đừng lúc nào cũng đòi nhận, như thế sẽ trở thành người ích kỷ.

Trong cuộc sống hàng ngày, chị luôn khéo léo và đơn giản trong ứng xử với mẹ. Mẹ ở nhà nấu giúp nồi cơm lỡ mà bị khê, bị sống thì vẫn cứ ăn vô tư như bình thường, chị bảo nếu kêu ca người già sẽ tự ái. Hương Dung phải nói thật là có những cái mẹ chồng làm chị cũng không ưng đâu, nhưng chị biết mẹ là người quê, thói quen đã cố hữu trong tính cách của bà rồi, sửa cũng không sửa được. Biết không sửa được nên chị luôn giành lấy làm phần việc đó một cách nhẹ nhàng. Như thế mẹ đỡ mệt mà chị cũng được hài lòng với công việc.

Có những thời gian mẹ chồng muốn về quê khi đang trong kỳ chăm cháu, chị không bao giờ hỏi lại rằng tại sao mẹ về? Tại sao mẹ không trông con cho con mà đòi về? Khi ấy phải đặt mình vào vị trí của cụ, có khi cụ muốn được về quê cho vui, có khi vì không vui điều gì đó… cứ để mẹ được làm những gì mẹ thích, không căn vặn, ép buộc thì mẹ chồng sẽ luôn thấy dễ chịu. Chị cũng luôn gần gũi với mẹ bằng cách biết chia sẻ, chuyện gì cũng có thể tâm sự với mẹ.

Ứng xử tinh tế với người già khi sống chung thực sự là một nghệ thuật. Hương Dung không phải người kiểu cách bởi chị cũng lớn lên từ củ sắn, củ khoai, từ lê la dưới đất nên chị hiểu với mẹ không nên lúc nào cũng chỉn chu theo kiểu học đòi thời đại mới. Không nên lúc nào cũng phải ăn cái này tráng nước sôi, ăn cái kia thì đun sôi, hay khắt khe đến mức cái khăn này để lau miệng, cái khăn kia để lau tay…

Ngày xưa, bố mẹ chị nuôi chị giản đơn mà vẫn nên người thì đâu cần phải yêu cầu mẹ chồng những điều kỹ tính như thế. Chị giờ đã là bà ngoại, có thời kỳ đi chăm cháu ngoại, con gái bảo mẹ ơi cái bình này đã tráng nước sôi chưa? Đã rửa bằng sữa rửa bình chưa?
 

Chị nghe vậy hơi tự ái nói với con: “Con không phải dạy mẹ những việc như thế”. Không phải chị khó tính mà bởi chẳng người bà nào không muốn chăm cháu mình tốt nhất có thể, hỏi như thế tức là đụng chạm đến chính tình cảm của bà với cháu. Chị cũng là người… già, cũng tự ái chứ, ngày xưa chị nuôi các con cũng đâu kỹ tính như thế mà các con vẫn nên người.

Tất nhiên, chuyện vệ sinh là đúng, nhắc nhở mẹ cũng là đúng nhưng nên tế nhị. Ngay lúc đó không nên nói ngay mà đợi lúc khác nhẹ nhàng nói với mẹ rằng cái khăn lau mặt của cháu con để ở đây nhé, cái khăn tắm của cháu mẹ lấy ở kia nhé… Thế là được. Chị đã sống với mẹ chồng nhiều năm, biết những điều cần tế nhị, cần sự tinh tế, đôi khi biết bỏ qua để được thoải mái. Điều đó là cả một nghệ thuật cần sự quan sát và thấu hiểu.

Mẹ chồng gần 20 năm lo lắng giúp chị việc nhà cửa con cái thì Hương Dung cũng luôn coi việc nhà của mẹ là việc của mình. Có những việc chị làm cho nhà chồng mà chính chồng chị cũng không hề biết như việc xây cái toilet mới, lát sân, mua cái này, sắm cái kia… Quan điểm của chồng chị là mẹ vẫn ở với các em, bởi vậy nên để các em lo lắng giùm những việc nhà tránh sự ỉ lại, sau này các em sẽ không chủ động được trong cuộc sống. Nhưng, Hương Dung thì lại nghĩ là có gì làm được thì cứ sắn tay vào mà làm, nhà có 10 đồng chỉ giữ lại 1 đồng để dành thôi, còn giúp ai được thì giúp hết.    
   
Tự hào vì con gái cũng được nhà chồng yêu quý
   
Bà ngoại Hương Dung trẻ trung như thế nhưng đã có hai cháu: đứa cháu đầu lên 6 và đứa thứ 2 lên 3 tuổi rồi. Chị thường nói, chị có lỗi nhiều với cô con gái cả bởi cuộc sống gia đình ngày xưa vất vả, chị không có nhiều điều kiện chăm sóc, ở bên cạnh con gái dạy bảo cho đến khi con đi lấy chồng. Con gái chị đôi khi vẫn vờ ganh tị bảo rằng giá như mẹ chăm sóc con được như hai em thì có phải sung sướng biết bao nhiêu không.

Nhưng đến giờ chị rất tự hào về sự trưởng thành của con gái và cách con gái biết làm cho gia đình chồng yêu quý. Khi con đi lấy chồng, Hương Dung cũng chỉ biết nói với con sống phải biết mở lòng, sau này con cũng sẽ là mẹ chồng, con hãy ứng xử làm sao để con dâu của con sau này thấy thoải mái.

Hương Dung nghĩ, dù không được chị bảo ban nhiều về cách sống, nhưng có lẽ con gái chị nhìn thấy cuộc sống yên bình giữa chị và mẹ chồng bao năm nay nên cũng hiểu những điều tinh tế trong ứng xử với gia đình chồng.

Con gái chị lấy chồng sớm, ngày xưa chị cũng khó tính lắm khi nhìn nhận về chàng rể. Mặc dù hai con đã yêu nhau từ khi học lớp 12, nhưng khi kết hôn con gái chị mới 24 tuổi, con rể hơn 2 tuổi, tuổi đấy còn quá… non. Chị khen con rể tốt tính, hiền lành, chỉ chê mỗi việc là còn trẻ con quá đã lập gia đình. Ngày xưa, con rể khi đến nhà chị cũng ngại ngần lắm, có vẻ hơi khách sáo, thậm chí còn thổ lộ với vợ: “ba mẹ coi anh là khách thì phải”.

 Con gái chị khéo léo nói rằng khi anh cảm giác như vậy thì anh phải nhìn lại xem tại sao gia đình anh không coi em như khách mà như con gái trong nhà.

Thời kỳ đầu, cùng với sự ái ngại đôi khi con rể có những ứng xử không được hòa đồng ví như đến nhà gặp bữa cơm mà biết không nấu cơm cho mình nên ngại không ăn… Chuyện nhỏ như thế thôi nhưng Hương Dung cho rằng, khi đã là con cái trong nhà, những việc như thế nên thoải mái. Tới nhà bố mẹ vợ có gì ăn nấy, có sao sống vậy thì sẽ luôn tạo được không khí vui vẻ hai bên.

 Trong nghệ thuật ứng xử con dâu - mẹ chồng hay con rể với gia đình vợ cũng thế, nghệ sĩ Hương Dung cho rằng quan trọng nhất chính là cách sống chân thành, hòa nhã và đơn giản. Con rể của chị cũng đã hiểu điều đó nên bây giờ rất thoải mái.
                   

PV
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn