2 thời điểm uống cà phê gây hại sức khỏe, 'phá' dạ dày

( PHUNUTODAY ) - Cà phê có thể mang lại sự tỉnh táo, tăng khả năng tập trung nhưng vào một số thời điểm, bạn nên tránh dùng loại đồ uống này.

Uống cà phê ngay sau khi ngủ dậy

Cà phê là loại đồ uống nhiều người yêu thích, thường sử dụng vào buổi sáng để tăng sự tỉnh táo. Tuy nhiên, bạn không nên dùng loại đồ uống này ngay khi vừa thức dậy.

Một trong những lý do mọi người nên tránh uống cà phê ngay khi thức giấc có liên quan đến tác dụng của cà phê đối với việc sản sinh cortisol - một loại hormone gây căng thẳng trong cơ thể con người. Nồng độ cortisol trong cơ thể thay đổi theo chu kỳ tự nhiên trong suốt một ngày dài. Lượng hormone này tăng cao nhất vào khoảng thời gian sau khi bạn thức dậy. Vì vậy, uống cà phê quá sớm vào buổi sáng sẽ khiến cortisol gia tăng quá mức, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, làm cơ thể mệt mỏi trong nhiều giờ sau đó.

Uống cà phê khi đói bụng

Caffein trong cà phê có thể khích thích một loại hormone là gastrin, có thể khiến dạ dày bạn tiết ra nhiều axit hơn. Ngoài ra, cà phê cũng làm giảm áp lực của cơ vòng thực quản dưới (cơ vòng ở giữa dạ dày và thực quản). Việc này có thể gây ra tình trạng trào ngược axit dạ dày thực quản. Các triệu chứng trào ngược axit bao gồm cảm giác nóng rát ở ngực, miệng có vị chua hoặc đắng, khó nuốt, nôn ra một lượng nhỏ thức ăn hoặc chất lỏng.

Tốt nhất nên dùng cà phê sau bữa ăn. Loại đồ uống này có thể giúp hấp thụ axit hydrocloric dư thừa, bảo vệ dạ dày khỏi chứng ở nóng, giảm nguy cơ loét dạ dày.

Thời điểm nên uống cà phê

Bạn nên chọn thời điểm cơ thể sản xuất ít cortisol hơn, khoảng 3-4 giờ sau khi thức dậy để uống cà phê. Nếu bạn dậy vào lúc 6h sáng thì có thể uống cà phê vào lúc 9h. Nếu bạn thức dậy vào lúc 8h thì nên uống cà phê lúc 11h.

Không nên uống cà phê vào buổi tối vì caffein trong loại đồ uống này có thể làm ảnh hưởng đến giấc ngủ. Sau khi uống, cơ thể mất tới 6 giờ để giải phóng hết lượng caffein đã nạp vào.

Tác giả: Thanh Huyền