20 đêm chồng nằm góc bếp canh vợ F0 đang tự điều trị trong phòng, hồi sinh nhờ tình yêu

( PHUNUTODAY ) - Dù nói thế nào, người chồng cũng nhất quyết không chịu vào phòng khác nghỉ ngơi. Vì sợ không kịp giúp vợ lúc cần thiết nên tối tối ông lại đem chăn gối ra nằm trong bếp.

Mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân (59 tuổi) chia sẻ câu chuyện điều trị Covid-19 tại nhà của mình trên VietNamNet.

Bà Xuân và chồng sống ở quận Bình Thạnh, Tp. HCM. Các con đều sống và học tập ở nước ngoài nên ngày thường chỉ có ông bà chăm nhau. Ngày 5/8, bà được chồng đưa đi làm test nhanh trước khi tiêm vắc xin Covid-19 thì phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2. Từ ngày dịch bệnh bùng phát ở thành phố, vợ chồng bà đều ở trong nhà, không hiểu sao bà vẫn bị nhiễm bệnh.

Biết vợ bị bệnh, ông Trần Công Đức (61 tuổi) lo lắm bởi 15 năm qua bà xuân bị bệnh Parkinson. Việc đi lại của bà Xuân đều chậm chạp, khó khăn. Mấy năm gần gây, bà phải sắm cả xe lăn để phòng khi muốn đi xa. Không những thế, bà còn bị lao xương, thoát vị đĩa đệm.

Khi bị Covid-19, bà lo lắng nếu phải sống ở môi trường mới nên đã trình bày nguyện vọng xin được điều trị tại nhà.

Bà được người quen giới thiệu cho bác sĩ đang làm việc ở một bệnh viện tại Tp. HCM. Theo tư vấn của bác sĩ, vợ chồng bà Xuân chuẩn bị thuốc và các thiết bị như nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy đo SpO2.

Vì có nhiều bệnh nền nên bà Xuân còn được cho mượn một máy thở. Hàng ngày, bà đo các chỉ số rồi gửi qua Zalo cho bác sĩ kiểm tra. Bà uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi có các triệu chứng như sốt nhiều, nôn ói, chóng mặt... bà lập tức cập nhật để bác sĩ tư vấn.

Hai vợ chồng bà Xuân phân chia khu sử dụng trong nhà. Trên mỗi chiếc bàn, ông Đức đều để một bình cồn 70 độ. Hai người sử dụng nhà vệ sinh, đồ đạc riêng.

Bà Xuân để tất cả những thứ cần thiết như nước, thuốc, thiết bị y tế, các loại bánh sát giường, vừa tầm với để tiện sử dụng. Nhà vệ sinh ở ngay sát phòng nên những lúc bớt mệt bà lại tự lần tường đi vào, vệ sinh cá nhân, rửa các vật dụng.

Đến bữa, ông Đức đặt đồ ăn vào một chiếc ghế nhỏ ở trong phòng vợ rồi lập tức đi ra ngoài. Mỗi ngày, ông Đức vào phòng vợ 3-4 lần nhưng cả hai không giáp mặt nhau, luôn đeo khẩu trang và hạn chế nói chuyện. Hai người giao tiếp qua điện thoại và tin nhắn.

Chén bát, quần áo của bà Xuân sử dụng đều được ngâm trong nước nóng rồi sấy khô hoặc phơi nắng.

Ông Đức thường đệm đàn để động viện tinh thần cho vợ.

Nhà của hai ông bà có 3 phòng ngủ hướng ra bếp. Buổi tối ông Đức đem chăn gối ra nằm dưới bàn ăn vì sợ không kịp giúp vợ lúc cần thiết. Đầu ông quay về phía có tủ chắn để tránh luồng khí trực tiếp từ phòng vợ. Bà Xuân hé cửa nhìn ra thì chỉ thấy đôi chăn của chồng lấp ló.

Những đêm ngày thứ 9, thứ 10 sau khi biết mình nhiễm bệnh, bà Xuân sốt cao. Bà tự đo thân nhiệt rồi pha thuốc uống.

Bà biết phải bù nước nên uống nước liên tục. Khi không ngồi dậy uống nước được thì bà dùng ống hút để uống.

Những ngày bị sốt, cứ ăn vào là bà lại muốn ói. Dù vậy, bà Xuân quyết không bỏ bữa ăn nào. Bà múc từng muỗng cho vào miệng rồi nằm xuống nuốt từ từ. Có khi phải mất 1-2 tiếng bà mới ăn được chút cháo.

Thời gian này, những cơn đau tức ngực cũng kéo đến hành hạ bà.

Mấy hôm sau, nhưng cơn sốt giảm dần. Bà Xuân tiếp tục tập thở. Suốt nhiều ngày liền, ông Đức thường đệm đàn động viện tinh thần để vợ tập thở và sớm vượt qua Covid-19.

Trải qua hơn 20 ngày điều trị tại nhà, bà Xuân có kết quả âm tính. Bà bắt đầu tập đi lại trong nhà và làm quen lại với công việc bếp núc, thăm lại khu vườn trên sân thượng mà bấy lâu nay bà không thể chăm sóc, trở về với những đam mê như những người trước khi bị Covid-19.

Tác giả: Thanh Huyền