2 yếu tố khiến F0 khỏi bệnh vẫn có thể tái nhiễm nhiều lần, lây virus cho người khác

15:30, Thứ ba 14/09/2021

( PHUNUTODAY ) - F0 khỏi bệnh hoàn toàn có nguy cơ tái nhiễm dù tỷ lệ không cao. Họ cũng có thể trở thành trung gian làm lây lan virus. Vì vậy, chúng ta không nên chủ quan.

F0 khỏi bệnh vẫn có thể tái nhiễm nhiều lần

Theo VietNamNet, Sở Y tế Hà Nội từng công bố về một trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2 tại quận Cầu Giấy. Đó là một bệnh nhân nam, sinh năm 1968. F0 này có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 tại Nga (ngà 8/11/2020).

Vào ngày 3/9 vừa qua, người này đi tiêm vắc xin Covid-19 tại số 21 Trung Liệt. Đến 6/9, người bệnh được gia đình đưa đến một phòng khám, được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính. Hiện tại, bệnh nhân này không có triệu chứng.

Nói về trường hợp tái dương tính này, TS.BS Phạm Lê Duy, giảng viên Trường Đại học Y dược TP.HCM cho biết, người từng nhiễm SARS-CoV-2 và khỏi bệnh vẫn hoàn toàn có khả năng tái nhiễm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nguyên nhân thứ nhất có thể là do người bệnh nhiễm một chủng virus khác. Thứ hai là khi họ nhiễm, lượng kháng thể trong cơ thể được tạo ra không đủ lớn để bảo vệ họ khỏi bị nhiễm lần nữa.

TS.BS Phạm Lê Duy nói, các nước trên thế giới đang khuyến cáo, dù đã từng mắc Covid-19 và khỏi bệnh nhưng khi hết bệnh, người dân vẫn nên tiêm vắc xin để chắc chắn bản thân được bảo vệ.

BS Duy nhấn mạnh, dù đã tiêm đầy đủ các mũi vắc xin, bạn vẫn có khả năng nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, khả năng đó được giảm đi rất nhiều và người bệnh có thể không có triệu chứng, bị nhẹ hoặc không chuyển nặng.

F0 khỏi bệnh có thể trở thành trung gian mang virus đi nhiều nơi

TS.BS Phạm Lê Duy cho biết, F0 dù không có triệu chứng hay không có triệu chứng thì họ vẫn có khả năng lây cho người khác, làm lây lan dịch bệnh nhất là trong những cộng đồng tiêm vắc xin còn ít.

BS Nguyễn Văn Chánh, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành cũng có cùng quan điểm. BS Chánh cho biêt, F0 đã khỏi bệnh dù có kháng thể nhưng vẫn có thể tái nhiễm do người bệnh tiếp xúc với F0 và vô tình bị lây nhiễm.

Kháng thể chỉ có khả năng làm cho virus không xâm nhập vào cơ thể người bệnh để gây bệnh trở lại còn bệnh nhân vẫn có thể nhiễm virus nếu tiếp xúc với các F0 khác. Tuy nhiên, thời gian cơ thể có kháng thể chống lại virus là bao lâu thì vẫn chưa được xác định cụ thể.

f0-khoi-benh-van-co-the-tai-nhiem-nhieu-lan-02

Theo BS Chánh, F0 không thể nghĩ mình từng bị bệnh mà sẽ không bị nữa hoặc bị nhẹ nên chủ quan và làm lây nhiễm virus cho cộng đồng.

Bác sĩ gia đình Nguyễn Lê Thục Đoan (bác sĩ tư vấn Tổng đài 1022 ở TP.HCM) cũng chia sẻ quan điểm tương tự. BS Đoan cho biết, F0 đã khỏi bệnh vẫn có thể tái nhiễm dù tỷ lệ không cao. Các báo cáo cho đến nay ghi nhận phần lớn là không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa là người tái nhiễm không thể lây truyền virus cho người khác. Vì vậy, chúng ta vẫn cần phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Thanh Huyền