Từ thời điểm dây rốn sinh học bị cắt, một "dây rốn tâm lý" mới được hình thành giữa trẻ em và gia đình. Vì vậy, hạnh phúc và sự viên mãn của một đứa trẻ phụ thuộc rất nhiều vào sự đùm bọc của gia đình. Khi lớn lên, mức độ hạnh phúc và sự hài lòng mà chúng ta có được từ thời thơ ấu tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống trưởng thành. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn; có những em nhỏ phải dành cả cuộc đời để hàn gắn những vết thương từ tuổi thơ.
Nếu gia đình bạn xuất hiện 3 dấu hiệu sau đây, đó có thể là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đang gặp vấn đề nghiêm trọng.
Dấu hiệu 1: Tiền bạc quan trọng hơn mối quan hệ gia đình
Một trường hợp điển hình là Trương Thiều Hàm, ngôi sao Đài Loan nổi tiếng với tài năng và nhan sắc vượt trội. Sự nghiệp của cô từng tiến triển rực rỡ cho đến năm 2008, khi cô công khai tuyên bố cắt đứt quan hệ với mẹ ruột trong một buổi họp báo.
Không lâu sau đó, mẹ của Trương Thiều Hàm lên tiếng cáo buộc con gái nghiện ngập và sống xa hoa. Đáp lại, nữ diễn viên đã phủ nhận hoàn toàn những cáo buộc này và tiết lộ rằng cô đã phải chịu đựng suốt 10 năm bị mẹ bòn rút toàn bộ thu nhập. Vì nghiện cờ bạc, mẹ của Trương Thiều Hàm đã lấy tiền của con gái để trả nợ, khiến tài khoản ngân hàng của cô hoàn toàn trống rỗng, và cô rơi vào tình trạng trắng tay ngay khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao.
Trương Thiều Hàm đã bắt đầu sự nghiệp từ khi mới 15 tuổi, lao động miệt mài để kiếm tiền trả nợ cho gia đình và trang trải cuộc sống. Trong suốt thời gian đó, mẹ cô đã quản lý mọi khía cạnh từ công việc đến tài chính, chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà cô kiếm được, để lại cô trong tình trạng không còn gì.
Bên cạnh đó, cậu của Trương Thiều Hàm cũng lên án cô vì không hỗ trợ tài chính khi bố mẹ ốm đau. Sự việc này đã gây chấn động dư luận Trung Quốc, nhưng phần lớn công chúng đều đứng về phía Trương Thiều Hàm, đồng cảm với những khó khăn mà cô đã phải trải qua do mẹ mình gây ra.
Không chỉ riêng Trương Thiều Hàm, nhiều ngôi sao khác cũng phải đối mặt với tình trạng bị cha mẹ ruột bóc lột, chiếm đoạt tiền bạc và công sức trong thời gian dài.
Trong những gia đình mà tiền bạc được đặt lên trên tình cảm, mọi hành động của họ đều nhằm vào tài chính của bạn. Nếu bạn không còn giá trị lợi dụng, họ sẽ bỏ rơi bạn. Chỉ khi tránh xa những gia đình như vậy, bạn mới có thể tự do và sống cuộc sống của chính mình.
Có những bậc cha mẹ sẵn sàng bòn rút từng đồng của con gái để đảm bảo con trai họ có cuộc sống sung túc hơn.
Dấu hiệu 2: Vật chất được đặt cao hơn tinh thần
Trong một video lan truyền trên mạng, một cô bé đã háo hức chuẩn bị bữa ăn nhân dịp sinh nhật của mẹ mình. Qua màn ảnh, người xem có thể dễ dàng nhận thấy sự chăm chỉ và tận tâm của cô bé trong từng công đoạn nấu nướng.
Khi hoàn thành, với niềm hạnh phúc hiện rõ trên gương mặt, cô bé quay sang hỏi mẹ: "Mẹ có định khen con không?". Đáp lại, mẹ cô không tỏ ra hài lòng mà ngược lại, bà mắng mỏ con gái vì cho rằng cô đã quá lãng phí khi nấu nhiều món ăn cho chỉ hai người. Phản ứng này khiến nhiều người xem cảm thấy đồng cảm với cô bé và cho rằng nếu họ ở vào hoàn cảnh tương tự, có lẽ họ cũng sẽ không muốn nấu ăn cho mẹ lần nào nữa. Sự chỉ trích vô lý có thể khiến tình cảm gia đình trở nên xa cách.
Nhiều bậc cha mẹ thường có xu hướng tìm lỗi, đổ lỗi và phá hỏng niềm vui của con cái. Họ đặt nặng giá trị vật chất lên trên tất cả, kể cả nhu cầu tinh thần và không quan tâm đủ đến suy nghĩ, cảm xúc của con cái mình.
Chúng ta có thể hiểu rằng thế hệ cha mẹ hiện nay đã trải qua những khó khăn trong việc kiếm tiền và họ nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tiết kiệm. Tuy nhiên, quan niệm tiêu dùng và sự đánh giá về giá trị cuộc sống giữa các thế hệ là khác nhau. Mặc dù việc tiết kiệm là cần thiết, nhưng không nên để nó biến chúng ta trở thành những người "khổ hạnh" đánh mất niềm vui và sự kết nối trong cuộc sống.
Dấu hiệu 3: Sĩ diện quan trọng hơn con cái
Bạn có sẵn lòng xin lỗi con mình khi mắc lỗi hay đối xử không đúng với chúng? Thực tế, nhiều bậc cha mẹ cảm thấy xấu hổ khi phải xin lỗi con cái.
Một câu chuyện từ một cư dân mạng đã từng thu hút sự chú ý: Khi còn nhỏ, một đứa trẻ bị mất 50 tệ tại nhà. Người cha nghi ngờ rằng con mình đã lấy và đã đánh con. Ngày hôm sau, người mẹ tìm thấy số tiền dưới ghế sofa. Đứa trẻ hy vọng cha sẽ xin lỗi, nhưng thay vào đó, người cha chỉ vào đầu con và nói: "Ai bảo con từng làm điều xấu?".
Điều này gợi nhớ đến câu nói: "Cha mẹ dành cả cuộc đời để chờ con nói lời cảm ơn, nhưng con cái lại dành cả cuộc đời để chờ cha mẹ nói lời xin lỗi". Khi bạn coi trọng sĩ diện hơn mối quan hệ với con cái, điều bạn đánh mất chính là sự kết nối quý giá giữa hai bên.
Nhiều cha mẹ thúc ép con học để đạt thành tích cao, sau đó khoe khoang trên mạng xã hội. Nhưng họ không quan tâm đến việc liệu đứa trẻ có thực sự muốn được khoe như vậy hay không, hoặc có thích theo đuổi những mục tiêu mà cha mẹ đã đặt ra hay không. Đôi khi, trẻ chỉ đang cố gắng làm hài lòng cha mẹ háo danh, thậm chí là miễn cưỡng tuân theo vì không thể phản kháng. Nếu con cái thất bại, toàn bộ trách nhiệm sẽ đổ lên đầu chúng, như một sự phản bội lại kỳ vọng và đầu tư của cha mẹ. Chúng sẽ phải nỗ lực hơn nữa để "đền đáp công ơn" cha mẹ.
Nhiều bậc cha mẹ vì sĩ diện mà la mắng con nơi công cộng, không quan tâm đến đúng sai. Họ lo sợ người ngoài đánh giá là không biết dạy con, nhưng không nghĩ đến cảm giác tủi hổ và tổn thương của con mình.
Đối với những bậc cha mẹ coi trọng sĩ diện hơn tất cả, con cái sẽ dần dần tìm cách tránh xa. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái vì thế khó mà gắn kết và trọn vẹn.
Tác giả: Trần Thu Thủy
-
3 kiểu gia đình ‘sản sinh’ những đứa trẻ EQ thấp: Bạn có thuộc nhóm nguy cơ?
-
"Con trai dưỡng ba khí, con gái dưỡng ba dung, về sau ắt thành danh, thành tài", đó là 3 thứ gì?
-
Top 3 con giáp cực khéo nuôi dạy con: Dù trai hay gái đều ngoan ngoãn, hiếu thảo
-
Là cha mẹ chớ nói với con những điều này nếu không muốn con trở thành người kém ý chí, vô dụng
-
Cha mẹ hãy dạy cho con 4 phẩm chất đạo đức này, để con trở thành người tử tế