3 kiểu cha mẹ khiến con cái mong lớn thật nhanh để thoát khỏi nhà, xem bạn có "dính" không?

( PHUNUTODAY ) - Nhiều cha mẹ rất yêu con nhưng cách hành xử và kỹ năng của cha mẹ lại khiến con càng lớn càng muốn tránh xa.

Cha mẹ hay kể lể công lao với con

Người ta nói công ơn cha mẹ lớn như trời như đất, như biển rộng sông sâu. Nhưng người làm cha mẹ mà suốt ngày kể lể công trạng với con sẽ khiến đứa trẻ áp lực. 

Không ít người thường xuyên nói với con kiểu như "Bố mẹ khổ vì con", "Bố mẹ làm cái này chỉ vì con, không thì...", "Sau này khi lớn đi làm nhớ cho lại mẹ tiền nhé", "Con phải nhớ không có bố mẹ thì...", "Bố mẹ vất vả vì con"... Những câu kể lể của cha mẹ đôi khi vì nghĩ rằng để con biết thương lại mình. Nhưng thực sự điều đó khiến con cái cảm thấy áp lực, nghĩ rằng chúng là nguyên nhân gây ra sự vất vả của cha mẹ. 

Những áp lực của cha mẹ từ những lời kể lể đó sẽ dần ám ảnh tâm lý của con khiến con cảm thấy mắc nợ và phải trả nợ cha mẹ. Đôi khi vì điều đó mà cuộc sống không còn vui nữa, trẻ không cẩm thấy gia đình vui vẻ, mà chỉ cảm thấy áp lực, cha mẹ nặng gánh nuôi con và con bị áp lực phải báo đáp cha mẹ.

Việc con cái có hiếu hay không, không phải do bạn kể lể công lao để con phải khắc ghi. Việc con có hiếu sẽ xuất phát từ việc cách sống của bạn với người thân của mình, cách dạy con vui vẻ và biết ơn những gì nhận được trong cuộc sống. Bạn không nên giấu con về nỗi vất vả của mình nhưng không cần kể lể mà con sẽ dần hiểu và cảm nhận được từ chính sự lạc quan yêu thương và tin tưởng của bạn.

Cha mẹ luôn nói "Lớn rồi con sẽ hiểu"

Trẻ nhỏ khi có vấn đề cần tìm tới hỏi cha mẹ nghĩa là chúng thực sự muốn có câu trả lời. Bọn trẻ ở tuổi khám phá thế giới càng có nhiều câu hỏi hơn. Nhiều cha mẹ nghĩ câu hỏi về bài tập thì quan trọng còn những câu hỏi khác là linh tinh, hoặc đôi khi cha mẹ trả lời cho xong bằng cách "lớn lên con sẽ hiểu", trẻ con con hỏi làm gì, trẻ con biết gì...

Chính câu nói đó của cha mẹ khiến con không thỏa mãn và chúng khao khát lớn lên để hiểu mọi thứ. Cha mẹ nên tìm cách trả lời cho con trong sự phù hợp với độ tuổi của con, để con hiểu được điều mà chúng đang thắc mắc. Câu trả lời lớn lên con sẽ hiểu chính là một cách trả lời vô trách nhiệm của cha mẹ và thể hiện cha mẹ không phải là nơi để con tin tưởng nhất, tìm đến khi cần nhất. Nếu bạn chưa thể trả lời ngay vì chưa biết trả lời con thế nào thì hãy hẹn con vào lúc nào đó và tìm tư vấn để có câu trả lời thích hợp cho con, kể cả vấn đề lớn hay nhỏ. Lúc đó con sẽ luôn tin tưởng bạn và luôn tìm về với bạn, và bạn không cần kiểm soát con mà con sẽ tự chia sẻ vấn đề của mình với cha mẹ.

Cha mẹ không tôn trọng sự riêng tư của con

Nhiều cha mẹ vẫn theo nếp xưa, "xồng xộc" vào phòng con hoặc lục đồ trong ngăn kéo của con. Trẻ con bây giờ khác xưa, hơn nữa chúng ta cần dạy trẻ biết tôn trọng người khác, tôn trọng sự riêng tư thì chính cha mẹ cũng không thể nhân danh người thân mà tự ý hành động, xâm phạm vào vùng riêng của con.

Có những việc của con, phải hỏi ý kiến con mới được dùng, mới được quyết. Cha mẹ tự tiện quyết định thay con hoặc tự tiện xâm phậm khoảng trời riêng của con sẽ khiến trẻ khó chịu cảm thấy bị kiểm soát, thiếu được tôn trọng. Hơn nữa trẻ sẽ tìm cách để tạo ra vùng kín hơn để tránh né cha mẹ. 

Do đó cha mẹ cần xem con là một cá thể độc lập với mình không thể kiểm soát con như kiểu mình là cha mẹ làm gì với con cũng được. Như vậy càng lớn trẻ sẽ càng lánh xa cha mẹ để bảo toàn chính mình, và gia đình lại không còn là nơi an toàn nhất của chúng nữa.

Tác giả: An Nhiên