Ngày nay có nhiều đứa trẻ không muốn giao tiếp với cha mẹ. Thực tế không phải chúng không muốn nói mà vì chúng nghĩ không thể giao tiếp. Nếu cha mẹ thuộc 3 kiểu này, chắc chắn đứa trẻ sẽ vô cùng hạnh phúc.
Giao tiếp đồng cảm
Những đứa trẻ không giao tiếp thường là dấu hiệu của sự thiếu đồng cảm từ phía cha mẹ. Đồng cảm chính là khả năng hiểu và cảm nhận được cảm xúc của người khác từ góc nhìn của họ. Nếu như cha mẹ thấu hiểu trẻ, trẻ cảm thấy được chấp nhận thì sẽ sẵn sàng mở lòng.
Muốn giao tiếp đồng cảm thì cha mẹ cần lắng nghe mà không vội đưa ra nhận xét. Từ đó giúp trẻ biểu đạt cảm xúc và tôn trọng mong muốn của trẻ.
Haim Ginot, một chuyên gia giáo dục đã nhấn mạnh rằng sự thấu hiểu giảm bớt cô đơn và đau khổ cho trẻ, tình yêu của trẻ dành cho cha mẹ cũng sẽ sâu sắc hơn.
Việc giao tiếp với con cái không chỉ là giáo dục qua lời nói mà là cảm nhận sâu sắc suy nghĩ và cảm xúc của chúng. Sự đồng cảm chính là chìa khoá mở cửa trái tim trẻ thơ.
Giao tiếp trao niềm tin
Nhiều cha mẹ hay phàn nàn vì sự lệ thuộc của con cái. Chẳng hạn khi gặp bài tập khó trẻ liền xin giúp đỡ, khi bị huấn luyện viên la mắng thì từ chối tập luyện, hay bỏ cuộc trong các cuộc thi do lo lắng về kết quả. Dù cha mẹ thường xuyên khích lệ bằng cách nói “con có thể làm được” nhưng hiệu quả không cao.
Đứa trẻ nào cũng vậy, sẽ có cảm xúc và trải nghiệm thành công cùng thất bại. Thay vì chỉ trích thì cha mẹ nên nhắc nhở trẻ về những lần vượt qua khó khăn trước đây để tăng cường tự tin và dũng khí. Chia nhỏ thử thách cũng sẽ giúp trẻ dần tự tin hơn qua mỗi thành công nhỏ.
Giao tiếp trao niềm tin không chỉ là khẳng định “con có thể làm được” mà còn là việc cha mẹ cung cấp sự chấp nhận và hỗ trợ thích hợp, giúp trẻ phát triển lòng dũng cảm từ bên trong và tin rằng “Tôi có thể làm được”.
Giao tiếp đánh giá cao
Cha mẹ ngày nay thường dành nhiều lời khen cho con cái nhưng đứa trẻ lại không đánh giá cao điều này. Có thể là do cách khen chưa thật sự phù hợp. Khen ngợi chân thành không chỉ là lời nói mà còn phải kết hợp với cảm xúc thực sự từ trái tim.
Khi khen trẻ, cha mẹ nên nhấn mạnh vào những điểm mạnh cụ thể của trẻ chẳng hạn cách trả chọn và phối màu trong tranh. Bên cạnh đó hãy thể hiện cảm xúc tích cực của bản thân khi nhìn thấy kết quả công việc của trẻ. Điều này giúp trẻ nhận ra giá trị bản thân và tiến bộ từng ngày.
Lời khen nên tập trung vào nỗ lực và quá trình của trẻ hơn là chỉ nhìn vào kết quả. Chẳng hạn khen ngợi sự kiên trì của trẻ trong luyện tập, khuyến khích trẻ tự hào về bản thân. Những lời khen như vậy không chỉ là sự khích lệ mà còn trở thành niềm tin lâu dài cho trẻ.
Đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường đầy khích lệ sẽ phát triển một tâm hồn giàu có, có thêm sức mạnh để đương đầu với thử thách trong tương lai.