4 giai đoạn trưởng thành ảnh hưởng đến tương lai của trẻ: Cha mẹ cần giáo dục đúng cách

( PHUNUTODAY ) - Từng vào từng giai đoạn phát triển, trưởng thành của trẻ mà cha mẹ có những định hướng giáo dục khác nhau. Vì vậy mà cha mẹ cần nắm rõ từng giai đoạn để có phương pháp đúng đắn.

Giai đoạn đầu tiên (0-3 tuổi): Chăm sóc tinh thần

Những năm đầu đời trẻ dành phần lớn thời gian của mình ở nhà, sau đó là trường học. Đây là 2 nơi chính ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Ở giai đoạn này việc nuôi dưỡng tình cảm là điều cực kỳ quan trọng cho nhân cách trẻ sau này. Nếu cha mẹ bỏ qua việc giáo dục cảm xúc thì có thể gây ra sự phản kháng và nổi loạn ở trẻ. Tốt nhất là cha mẹ nên ở bên cạnh và gần gũi với con nhiều hơn.

Chẳng hạn như rèn luyện thói quen trò chuyện, ngay cả khi trẻ còn nói ngọng và kiên nhẫn lắng nghe, phản hồi để giúp trẻ vượt qua tâm trạng tiêu cực là các yếu tố quan trọng trong việc giáo dục tình cảm.

Giai đoạn thứ hai (3-6 tuổi): Phát triển tính cách

Tính cách của trẻ có liên quan mật thiết tới việc nuôi dưỡng cảm xúc từ sớm. Nền tảng cảm xúc vững chắc giúp trẻ dễ thành công hơn. Nghiên cứu tâm lý học của Adlerian cho thấy tính cách chủ yếu hình thành trước 6 tuổi, dưới ảnh hưởng di truyền và môi trường, nhất là gia đình và phương pháp giáo dục của cha mẹ.

Nếu như giai đoạn 0-3 tuổi cần cho trẻ cảm giác an toàn thì độ tuổi 3-6 tuổi cần chú trọng phát triển tính cách, ngôn ngữ và hiểu biết.

Cha mẹ có thể giáo dục phát triển tính cách cho con thông qua kể chuyện, đọc sách, duy trì giao tiếp tốt, điều chỉnh cảm xúc tiêu cực và tự điều tiết cảm xúc bản thân. Trong giao tiếp cần có sự bao dung, làm gương cho trẻ bởi trẻ sẽ học hỏi và trưởng thành theo tấm gương đó. Trong việc hình thành nhân cách của con trước 6 tuổi, cha mẹ cần nhận thức rõ vai trò của mình.

Giai đoạn thứ ba (6-12 tuổi): Phát triển khả năng

Trẻ có thái độ tốt thường học tốt. Giai đoạn 6-12 tuổi là giai đoạn đặc biệt để bồi dưỡng năng lực học tập của trẻ. Trong suốt 6 năm học tiểu học, nếu giúp trẻ phát triển khả năng này, trẻ sẽ bớt lo lắng hơn nhiều khi bước vào cấp trung học cơ sở, có tính tự giác và lập kế hoạch học tập tốt hơn.

Để con phát triển tốt khả năng học tập ở bậc tiểu học, cha mẹ hãy để trẻ tự làm chủ và lên kế hoạch thời gian làm bài tập về nhà theo tiến độ của riêng mình. Bên cạnh đó, cha mẹ không nên làm phiền khi trẻ đang làm bài tập về nhà. Nếu có thắc mắc thì nên đợi đến khi trẻ làm xong mới lên tiếng. Cuối cùng là khen ngợi sự tiến bộ của con bạn để con tự tin hơn.

Giai đoạn thứ tư (trên 12 tuổi): Giáo dục tôn trọng

Trẻ bước vào độ tuổi dạy thì thường có những hành vi nổi loạn. Đây là biểu hiện của sự độc lập phát triển. Giai đoạn này, trẻ cảm nhận được khả năng cá nhân nên càng muốn được công nhận và phát triển quan điểm về bản thân, đôi khi dẫn đến sự xa cách với cha mẹ do bất đồng ngôn ngữ và quan điểm.

Ở giai đoạn này, cha mẹ nên tôn trọng không gian cá nhân trẻ, tránh chỉ trích và tập trung vào việc tạo điều kiện cho trẻ suy nghĩ độc lập và trải nghiệm. Chẳng hạn như đặt câu hỏi kích thích suy ngẫm tự lập “Con nghĩ điều này có hậu quả gì không?” hay “Con sẽ làm thế nào nếu lựa chọn của mình không đúng?”. Qua đó, trẻ sẽ tự phát hiện ra khuyết điểm và học hỏi từ chính trải nghiệm của mình. Sự tôn trọng chính là chìa khoá để trẻ phát triển mỗi ngày.

Tác giả: Trần Thu Thủy