9 hành vi của cha mẹ vô tình cản trở tiềm năng phát triển của con

( PHUNUTODAY ) - Đôi khi cha mẹ cho rằng hành động của mình là vì con, tốt cho con nhưng trên thực tế lại làm cản trở, bào mòn tiềm năng của con.

Chăm sóc quá mức

Nếu cha mẹ làm cho con hết mọi việc như mặc quần áo, dọn dẹp, đút cơm,… thì trẻ sẽ không thể tự lập. Việc cha mẹ không cho con cái làm gì chẳng khác nào huỷ hoại con mình.

Tuỳ theo từng độ tuổi mà trẻ có thể làm những việc phù hợp với khả năng. Cha mẹ nên thử thách con những việc khó dần, tăng cường những việc con có thể tự làm.

Thường xuyên ra lệnh

Nhiều cha mẹ nghĩ con cái còn nhỏ, chưa biết làm gì nên phải hướng dẫn, ra lệnh cho chúng làm theo ý mình. Kết quả cuối cùng là trẻ chỉ biết ỷ lại hoặc nổi loạn ở độ tuổi vị thành niên.

Cách nói “con nên”, “con phải” sẽ khiến trẻ mất đi động lực để thử làm mọi thứ, bào mòn đi tính sáng tạo và sự tò mò về thế giới xung quanh.

Giúp đỡ quá nhiều

Cha mẹ giúp đỡ khi con cái gặp khó khăn là điều nên làm. Nhưng sự giúp đỡ này cũng cần có giới hạn, cha mẹ cần tránh giúp đỡ quá nhiều. Khi trẻ tự vượt qua những khó khăn, tự suy nghĩ sẽ xây dựng tính cách tự tin và dũng cảm đối diện với nhiều thử thách trong cuộc sống.

Giúp đỡ con quá nhiều là cha mẹ sẽ tước đi cơ hội để trẻ học hỏi những kỹ năng quan trọng trong quá trình trưởng thành.

Yêu cầu con làm những việc quá khả năng

Một đứa trẻ khả năng ở mức 5 mà cha mẹ ép phải làm được mức 7, mức 10 thì rất khó. Ép trẻ làm những việc vượt quá khả năng của mình chỉ khiến trẻ suy yếu sự tự tin và bản thân.

Thật hạnh phúc khi nghe con tự hào tuyên bố “con đã thành công” sau khi nỗ lực vượt qua một thử thách nhỏ và đạt được mục tiêu.

Quyết định thay con

Nhiều cha mẹ cho rằng mình không thích thể thao nên con cái có lẽ cũng như vậy. Họ có thể quyết định con mình học cái này, chơi cái kia,… tất cả đều làm suy yếu đi tiềm năng của trẻ.

Cho dù cha mẹ nghĩ tốt cho con cũng không nên vì vậy mà ra lệnh hay ép buộc. Tốt nhất là cha mẹ nên tạo cơ hội cho con cái thử trải nghiệm nhiều thứ khác nhau mà trẻ sẽ biết cách tìm ra những gì chúng thích.

Từ chối thẳng thừng

Những phản hồi có phần cứng rắn của cha mẹ như “con không thể làm điều này”, “nó không phải dành cho con”… có thể làm tổn thương đến lòng tự trọng của con cái.

Một đứa trẻ liên tục bị phủ nhận có thể bắt đầu nghi ngờ vào khả năng của mình, tự nhủ “mình không đủ khả năng”, “mình không thể thành công”. Điều này có thể ăn sâu vào tiềm thức của trẻ và khiến trẻ không dám làm bất cứ điều gì.

Trước đi đam mê của con

Trẻ thường bị cuốn hút và say mê với thứ khiến chúng ám ảnh. Trẻ sẽ dùng toàn bộ sức mạnh não bộ của mình gồm cảm xúc, trí nhớ, trí tưởng tượng và sự khéo léo. Nói cách khác, bộ não của trẻ đang hoạt động mạnh nhất, tốt nhất là cha mẹ không nên làm phiền hoặc cản trở con mình.

Khi thấy con đam mê một điều gì đó, cha mẹ nên để chúng làm điều đó một cách trọn vẹn nhất. Đừng lấy đi hay ép trẻ phải dừng lại giữa chừng vì lý do thích, không thích hoặc hoàn cảnh cá nhân của cha mẹ.

Không cho con thất bại

Cảm giác thất bại sẽ giúp trẻ tìm ra cách để thành công. Nếu cha mẹ lúc nào cũng bảo vệ con cái khỏi thất bại thì chúng sẽ càng học được ít hơn.

Cách tốt nhất để dạy trẻ rằng có thể đạt được điều gì đó từ thất bại là hãy thử thách chúng. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên trở thành tấm gương cho con mình noi theo.

Không cho con có nhiều trải nghiệm khác nhau

Những trải nghiệm đa dạng từ khi còn nhỏ rất quan trọng với trẻ vì nó giúp trẻ có nhiều lựa chọn cho tương lai và tìm thấy tiềm năng của mình.

Cha mẹ hạn chế cơ hội trải nghiệm của trẻ cũng là thu hẹp những lựa chọn. Tốt nhất là hãy để trẻ làm nhiều việc khác nhau gồm vui chơi và học tập để chúng có thể tìm thấy những gì mình muốn làm.

TAGS:nuôi con
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn